Ẩn số miếng mồi kế tiếp của VinaCapital

Mỗi năm, VinaCapital phải chọn ra vài công ty tốt để phân tích cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vậy đâu là “miếng mồi béo bở” đối với những nhà đầu tư lọc lõi trên thị trường này?
Lãnh đạo FECON xác nhận VinaCapital đã tiếp cận FECON
Lãnh đạo FECON xác nhận VinaCapital đã tiếp cận FECON

Mọi việc bắt nguồn từ thông tin đoán già, đoán non của giới truyền thông dành cho quỹ đầu tư uy tín nhất Việt Nam hiện nay là VinaCapital khi công bố một số khoản đầu tư sắp tới tại hội nghị về các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi do Tập đoàn Tài chính Edmond de Rothschild tổ chức ở London (Vương quốc Anh) hồi tháng 2.

Cụ thể, Quỹ VOF (VinaCapital) đã thành công trong việc mua 2 triệu cổ phiếu (2,6% cổ phần) của một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Khoản đầu tư này không nêu danh tính, mà chỉ đưa ra những thông số cơ bản.

Chẳng hạn, doanh nghiệp này hiện được định giá ở mức 391 triệu USD (khoảng 8.300 tỷ đồng) và chiếm 78% thị phần tại một nhánh trong thị trường thực phẩm đồ uống. Năm 2014, doanh nghiệp này đạt 305 triệu USD và 38 triệu USD lợi nhuận ròng.

Do đó, với những thông số trên, rất có thể doanh nghiệp đó là Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, doanh nghiệp đang dẫn đầu phân khúc sữa đậu nành với các thương hiệu Vinasoy và Fami. Ngoài ra, công ty này còn có sản phẩm khác như đường, bia, nước khoáng, bánh kẹo.

Cũng theo thông số đó, trong lĩnh vực đồ uống, còn có một doanh nghiệp tư nhân có doanh thu vào khoảng 300 triệu USD là Công ty cổ phần Tân Hiệp Phát. Phóng viên Báo Đầu tư đã tiếp cận, nhưng cả Vinasoy và Tân Hiệp Phát đều chưa xác nhận thông tin khoản đầu tư này.

Tại sự kiện trên, VOF cũng lên kế hoạch mua lượng lớn trái phiếu chuyển đổi. Thậm chí đã hoàn tất các điều khoản để mua 7 triệu USD (gần 150 tỷ đồng) trái phiếu chuyển đổi (tương ứng 11,5%) vốn của một công ty xây lắp hạ tầng niêm yết. Cùng với các dữ kiện như doanh thu năm 2014 đạt 63,2 triệu USD, lợi nhuận ròng đạt 6,1 triệu USD; trở thành doanh nghiệp xây dựng hạ tầng lớn nhất miền Bắc, đặc biệt là trong lĩnh vực cọc, cải tạo đất và các công trình ngầm khác; các dự án trọng điểm bao gồm nhà máy của LG, Samsung, Dự án Lọc dầu Nghi Sơn…, khoản đầu tư sẽ được VOF thoái vốn sau 2-3 năm.

Dựa trên những thông số đó, nhiều khả năng đây là Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON (FCN).

Liên quan đến lời đồn thổi này, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch FECON xác nhận với báo chí là VinaCapital đã tiếp cận FECON trong 4-5 tháng, nhưng chưa chốt được thời điểm chính thức.

Lên tiếng về những phân tích đồn đoán này, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành khối đầu tư VinaCapital cho hay, Quỹ có nghiên cứu và phân tích cơ hội tại nhiều công ty. Tại hội nghị về các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi vừa rồi, một số nhà đầu tư quốc tế đặt câu hỏi: “Hiện ở Việt Nam có những cơ hội đầu tư nào tốt. Nếu giá tốt, chúng tôi sẽ đưa ra một số cơ hội tốt như báo chí đã nêu”.

Liên quan đến khoản đầu tư vào trái phiếu, ông Andy Ho bật mí, mấy tháng qua, đội ngũ đầu tư của Quỹ đã tiếp cận nhiều công ty, trong đó có 5-6 công ty phát hành trái phiếu chuyển đổi, nhưng Quỹ không tham gia, vì điều kiện giá không tốt, không bảo vệ nhà đầu tư và các cá nhân, trong khi lại kèm những điều kiện kinh tế không phù hợp.

Một trong những quan điểm đầu tư có lợi cho Quỹ và cho cả đối tác là VinaCapital không thích mua cổ phần từ người thứ ba, mà muốn đầu tư trực tiếp với doanh nghiệp, bởi nếu mua qua người khác, thì công ty đối tác sẽ không được hưởng khoản tiền đó.

Quan sát những động thái gần đây của VinaCapital, dư luận cho rằng, có vẻ những cơ hội đến kết duyên với tên tuổi thuộc top 1 đã hết, buộc VinaCapital phải tìm đến những công ty chiếu dưới.

“Chúng tôi chưa đầu tư hết những doanh nghiệp top đầu, còn thiếu vài mã tốt nữa. Danh mục đầu tư của chúng tôi trên thị trường thời gian qua mới có một số mã lớn như: Vinamilk, Hòa Phát, Eximbank, Dược Hậu Giang, PetroVietNamDrilling”, ông Andy Ho khẳng định như để đáp trả dư luận.

Cũng theo ông Andy, chiến lược của Quỹ không thay đổi. Quỹ vẫn luôn tập trung vào các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế trong nước. Trong đó quan trọng nhất là lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát; sau đó mới đến giáo dục, y tế, truyền thông, logistics, vật liệu xây dựng, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tài chính...

“Chúng tôi sẽ đầu tư 10-30 triệu USD/công ty. Với số tiền này, mua cổ phần trên sàn khó, nên Quỹ đã tiếp cận và thương lượng với những công ty chuẩn bị lên sàn, sắp cổ phần hóa. Cũng có những khoản đầu tư phức tạp vào hạ tầng tài chính, nhưng không lãi bằng khi đầu tư vào thứ đơn giản”, ông Andy Ho nói và thích thú khi nhắc đến các khoản đầu tư vào doanh nghiệp sắp cổ phần hóa.

Quá trình này rõ ràng đang tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nhà đầu tư tư nhân, khi có tới 432 công ty sẽ cổ phần hóa trong năm nay. Đây là con số cao nhất trong lịch sử cổ phần hóa ở Việt Nam.

Các nhà đầu tư không ngừng bỏ lỡ dịp phân tích các cơ hội lớn, nhưng họ cũng hy vọng sau khi IPO, doanh nghiệp đó phải làm đúng cam kết là lên sàn 1 năm sau đó. Vừa rồi, VinaCapital cũng tham gia Vinatex và Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam.

Thông tin Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam lên sàn vào ngày 18/3 khiến ông Andy thích thú, bởi việc lên sàn sẽ mang lại lợi ích cho các bên. Việc niêm yết của doanh nghiệp sẽ giúp VinaCapital hoàn tất việc thoái vốn nhanh chóng, nhờ việc dễ quảng bá khoản đầu tư hơn, dễ định giá doanh nghiệp và ngược lại, doanh nghiệp cũng dễ tìm đối tác hơn khi mọi hoạt động được minh bạch.

Theo Đầu tư