|
Nhà máy gạch tuynel Bidico tại Bình Thuận (Nguồn: Internet) |
Từ giữa tháng 11/2020 đến nay, cổ phiếu BII của CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (Bidico) đã tăng gấp 6 lần từ 1.000 đồng/cp lên vùng giá 6.000 đồng/cp. Cùng đó là khối lượng giao dịch của cổ phiếu này cũng tăng vọt, trung bình mỗi phiên thanh khoản đạt 1,3 triệu đơn vị, có phiên có tới hơn 4 triệu cổ phiếu được sang tay.
Đáng chú ý, đà tăng của cổ phiếu BII diễn ra trong bối cảnh công ty đang phải chịu kết quả kinh doanh thua lỗ nặng.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Bidico được thành lập vào tháng 5/2008, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, bất động sản công nghiệp và logistics. Hoạt động kinh doanh của công ty lao dốc mạnh trong năm 2019 khi ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên tới 98 tỉ đồng.
Sang năm 2020, kết quả kinh doanh của Bidico cũng không được cải thiện khi luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty chỉ đạt vỏn vẹn 1,36 tỉ đồng, báo lỗ sau thuế 55,1 tỉ đồng. Tại ngày 30/9/2020, lỗ sau thuế luỹ kế của Bidico lên tới 123,6 tỉ đồng.
|
Giải trình về kết quả trên, Bidico cho biết do các nhà máy sản xuất gạch tuynel và nhà máy chế biên cát Bình Thuận tạm dừng hoạt động từ đầu năm 2020 nên không phát sinh doanh thu và lợi nhuận. Mặt khác, công ty đã trúng đấu quyền khai thác mỏ sét rộng hơn 16 ha nhưng chưa tiến hành khai thác được do chưa hoàn tất các thủ tục khai thác mỏ.
Cụ thể, Bidico đã chuyển tiền đền bù, giải phóng mặt bằng và tiền cấp quyền khai thác hơn 10 tỉ đồng, nhưng Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Lagi chưa thoả thuận được giá đất đền bù với các hộ dân nên UBND tỉnh Bình Thuận chưa thể giao đất để công ty tiến hành khai thác.
Ngoài ra, công ty đang đầu tư nâng cấp hệ thống nghiền cát trắng siêu mịn và hệ thống tuyến rửa cát để gia tăng giá trị cát trắng xuất khẩu, tuy nhiên do đối tác chủ yếu là khách hàng Trung Quốc nên hầu hết mọi hoạt động bị ngừng khi dịch bệnh bùng phát.
Kế hoạch đầu tư và ẩn số Louis Rice
Cuối năm 2020, HĐQT Bidico đã thông qua việc tham gia góp vốn thành lập CTCP DNT Bình Thuận với số vốn là 16,2 tỉ đồng, chiếm 27% vốn điều lệ công ty. Đồng thời, Bidico còn đầu tư vào Công ty TNHH Golden Resource (Golden Resource) bằng hình thức nhận chuyển nhượng lại phần vốn góp để trở thành chủ sở hữu.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Golden Resource được thành lập vào tháng 8/2007, ngành nghề kinh doanh chính hiện nay là bán buôn gạo, lúa mỳ, hạt ngũ cốc khác, bột mỳ.
Cập nhật đến tháng 1/2021, Golden Resource có vốn điều lệ 90 tỉ đồng, trong đó Bidico nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu lên tới 99,031% vốn điều lệ.
|
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, vài năm gần đây, Golden Resource có kết quả kinh doanh chưa thực sự tốt. Cụ thể, năm 2017 và 2018, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt lần lượt 11 tỉ đồng và 173,6 tỉ đồng, lợi nhuận thuần ở mức 15 triệu đồng và âm 778 triệu đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần của Golden Resource tăng gấp gần 4 lần so với năm trước, lên đạt 687,6 tỉ đồng; song công ty vẫn báo lỗ thuần ở mức 164 triệu đồng.
Trở lại với Bidico, bên cạnh những kế hoạch đầu tư, đầu năm 2021, HĐQT công ty còn thông qua việc thoái toàn bộ 76,19% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Công nghiệp Gỗ Bình Thuận do nguồn đầu tư không khả thi và chiếm dụng vốn cao. Bên nhận chuyển nhượng là CTCP Tập đoàn Xuất nhập khẩu Louis Rice (Louis Rice).
Ngoài ra, Bidico cũng chuyển nhượng cho Louis Rice quyền sử dụng lô đất rộng 44.587 m2 tại phường Bình Tân, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận. Lô đất này được Bidico sử dụng làm cảng trung tải Lagi phục vụ mảng logistics.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Louis Rice được thành lập vào tháng 6/2012, hoạt động chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo.
Cập nhật đến cuối tháng 11/2020, Louis Rice có vốn điều lệ 465,76 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố. Chủ tịch HĐQT là ông Vũ Ngọc Long (SN 1985).
Louis Rice đang sở hữu 5 nhà máy gạo đặt tại tỉnh Long An, Đồng Tháp với tổng công suất lên tới 5.000 tấn/ngày. Bên cạnh đó, công ty còn sở hữu chuỗi hệ thống hơn 500 điểm bán trong nước và xuất khẩu hơn 50 quốc gia trên thế giới.
|
Về kết quả kinh doanh, dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2017 – 2019, Louis Rice (công ty mẹ) liên tục báo lỗ dù lợi nhuận vẫn tăng trưởng mạnh. Như năm 2017 và 2018, doanh thu thuần của công ty này đạt lần lượt 637,5 tỉ đồng và 1.182 tỉ đồng, lỗ thuần tương ứng ở mức 393 triệu đồng và 15,8 tỉ đồng.
Năm 2019, Louis Rice ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.358 tỉ đồng, tăng gần 15% so với năm trước; lỗ thuần ở mức 1,5 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Louis Rice đạt 604,7 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 194 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt âm 10,6% và 4% so với đầu năm.
Trong quãng thời gian thị giá cổ phiếu BII có những biến động tích cực trên thị trường chứng khoán, thì giao dịch nội bộ và cổ đông lớn của Bidico cũng diễn ra khá sôi động.
Cụ thể, từ giữa tháng 11/2020, cổ đông lớn của Bidico là ông Đỗ Cần liên tục đăng ký mua thêm cổ phiếu BII và nâng tỷ lệ sở hữu lên tới 19,43% vốn Bidico vào đầu tháng 12/2020. Tuy nhiên, sang năm 2021, cổ đông cá nhân này bắt đầu bán ra tổng cộng 6,6 triệu cổ phiếu BII, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 6,95% vốn Bidico.
Đến này 25/1/2021, ông Đỗ Cần bán ra thêm 4 triệu cổ phiếu BII, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại Bidico xuống còn 0,02% vốn và chính thức không còn là cổ đông lớn của công ty.
Trong khi đó, ngày 19/1, Chủ tịch HĐQT Bidico – ông Nguyễn Văn Dũng đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu BII nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 15,21% vốn Bidico. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh trên sàn, dự kiến từ ngày 26/1 – 25/2./.