Ẩn số giá dầu tới sự phục hồi kinh tế thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ lần đầu trong lịch sử đạt mức giá âm do lượng cung quá nhiều, sau chưa đầy 2 năm, giá dầu không chỉ hồi phục mạnh mẽ mà còn trở thành mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng trung ương.
Giá dầu Brent vượt ngưỡng 110 USD/thùng (Nguồn: Tradingview)

Giá dầu Brent vượt ngưỡng 110 USD/thùng (Nguồn: Tradingview)

Tính đến 13h00 chiều nay (5/3, theo giờ Hà Nội), giá dầu WTI đã vọt lên mốc 113 USD/thùng – cao nhất kể từ năm 2013. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng lên tới 116,9 USD/thùng.

Nguyên nhân được cho là đến từ sự gián đoạn nguồn cung, khi việc các nhà sản xuất dầu thô của Nga không thể bán sản phẩm ra thị trường vì không có khách đặt mua. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, dầu thô của Nga bị giới giao dịch, bảo hiểm và chủ tàu xa lánh do lo ngại các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây.

Xung đột Nga – Ukraine khiến giá dầu – vốn đã nằm trong một xu hướng tăng giá khá mạnh – được dự báo có thể lên tới 120 USD/thùng, hoặc thậm chí 150 USD/thùng. Giá dầu tăng – trong bối cảnh lạm phát đang ở mức cao – khiến nó trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, các ngân hàng trung ương và các chính phủ đương nhiệm trên toàn cầu.

Tờ CNBC dẫn lời Paul Sankey - chuyên gia phân tích dầu mỏ kỳ cựu của Sankey Research – nói rằng giá dầu tăng cao có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Công ty phân tích này dự báo giá dầu sẽ giao dịch trong khoảng từ 100 – 150 USD/thùng cho đến khi tình hình ở Ukraine được giải quyết.

“Tôi e rằng chúng ta không có đủ nguồn cung dầu, và giá dầu có thể vọt lên 120 USD hoặc 150 USD/thùng, và đẩy nền kinh tế vào suy thoái”, Paul Sankey chia sẻ.

“Mọi người đều lo lắng rằng giá cả tăng cao sẽ gây suy thoái, phá hủy nhu cầu dầu mỏ và làm chao đảo nhiều nền kinh tế trên thế giới”, ông nói thêm.

Sankey cho rằng đây có thể là thời điểm đúng đắn để OPEC+ thúc đẩy sản lượng trong cuộc họp vào tháng 4. Được biết, OPEC+ đã đồng ý điều chỉnh tổng sản lượng hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng tới.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, việc một số nước OPEC+ không duy trì đủ số lượng dầu đã cam kết cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu neo cao.

Một thống kê của Bloomberg cho thấy, có tới 3/4 các nước OPEC+ không cung cấp đủ số lượng dầu mỏ như đã cam kết.

Có tới 3/4 thành viên của OPEC+ không cung cấp đủ số lượng dầu mỏ như đã cam kết (Nguồn: Bloomberg)

Có tới 3/4 thành viên của OPEC+ không cung cấp đủ số lượng dầu mỏ như đã cam kết (Nguồn: Bloomberg)

“Có sự khác biệt đáng kể giữa các mục tiêu mà các nước OPEC+ đặt ra về mức sản lượng của họ và những gì được sản xuất”, Fatih Birol - Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - nói trong cuộc họp do Diễn đàn năng lượng quốc tế (International Energy Forum) tổ chức. “Điều quan trọng là các nước OPEC+ phải thu hẹp khoảng cách này” và “hy vọng họ sẽ tăng sản lượng để thị trường giảm bớt sự biến động”.

Hệ quả là giá dầu tăng đang tạo ra mức lạm phát cao đột biến, có nguy cơ làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế toàn cầu và gây ra gánh nặng chi phí sinh hoạt cho hàng triệu người.

Đối với Việt Nam, sự tăng mạnh của giá dầu thô cùng một số mặt hàng khác trên thị trường thế giới, cùng với mặt bằng giá thấp trong nửa đầu năm 2021, có thể sẽ khiến lạm phát tăng mạnh hơn trong các tháng tiếp theo.

Theo BVSC, việc nguồn cung lương thực thực phẩm trong nước ổn định trong năm nay sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá của nhóm hàng ăn & dịch vụ ăn uống, giúp làm giảm áp lực tăng lên chỉ số CPI (khi đây là mặt hàng chiếm quyền số lớn nhất trong rổ tính CPI của Việt Nam – trên 36%).

Do đó, BVSC duy trì quan điểm CPI có thể chịu áp lực tăng nhưng vẫn được giữ trong tầm kiểm soát quanh 4% cho cả năm 2022.

Trong khi đó, BSC dự báo lạm phát có thể lên tới 5,1% nếu giá dầu duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng. “Tác động của lạm phát tăng cao có thể gây áp lực lên việc điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng của SBV và tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022”, báo cáo nêu./.

Tham khảo CNBC, Bloomberg