Giá dầu tăng mạnh nhưng không phải DN dầu khí nào cũng được hưởng lợi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – FiinGroup dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí sẽ đến từ nhóm hạ nguồn trong khi nhóm trung nguồn sẽ tiếp tục suy giảm do hoạt động khai thác chưa kích hoạt trở lại.

Trong ấn bản FiinPro Digest số 8, dầu khí là nhóm ngành phi tài chính được FiinGroup dự báo có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 lên tới 740,8%, cao bậc nhất so với các nhóm ngnàh khác.

Theo đơn vị phân tích này, các doanh nghiệp dầu khi trong nước đã đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh dựa trên giả định giá dầu ở mức 45 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent đã chạm tới mức 70 USD/thùng.

Riêng trong Quý 1/2021, số liệu của FiinGroup cho thấy, doanh thu ngành dầu khí giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận tăng gấp 1,6 lần nhờ sự bật tăng của giá dầu thế giới khi nhu cầu hồi phục.

Tuy nhiên, FiinGroup cũng lưu ý rằng không phải doanh nghiệp dầu khí nào cũng được hưởng lợi. Tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ nhóm hạ nguồn (sản xuất và khai thác dầu khí) bao gồm PLX, BSR và OIL. Chủ yếu do 3 nguyên nhân, bao gồm: (1) tiêu thụ hồi phục, (2) không phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và (3) biên dầu (crack spread) tăng mạnh so với cùng kỳ.

Trong khi đó, lợi nhuận nhóm ngành trung nguồn (cung cấp thiết bị và dịch vụ dầu khi) với hai đại diện lớn nhất là PVD và PVS tiếp tục suy giảm do hoạt động khai thác chưa kích hoạt trở lại cho dù giá dầu đã tăng cao.

FiinGroup cũng cho rằng định giá P/E hiện tại (24,6x) của ngành không còn rẻ nếu so với triển vọng lợi nhuận (P/E forward 2021 là 40,0x).

Có góc nhìn lạc quan hơn về triển vọng doanh nghiệp ngành dầu khí, CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng hoạt động đầu tư thăm dò và khai thác của các nhà thầu diễn ra tích cực hơn trong bối cảnh giá dầu tăng.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng khai thác dầu đạt 4,54 triệu tấn, bằng 91% cùng kỳ và hoàn thành 47% kế hoạch năm, sản lượng khí đạt 3,47 tỷ m3, bằng 87% cùng kỳ và hoàn thành 36% kế hoạch năm. Khai thác khí giảm do nhu cầu hạ nguồn đang ở mức thấp, MBS dự báo sản lượng khí khai thác sẽ tăng mạnh lên về giai đoạn cuối năm.

Tại khâu trung và hạ nguồn, các dự án đầu tư như nhà máy hóa dầu Long Sơn, kho cảng LNG Thị Vải… vẫn đang được tập trung thực hiện. Trong khi đó, hoạt động sản xuất đạt kết quả khả quan, sản lượng xăng dầu sản xuất trong 5 tháng đầu năm đạt 5,53 triệu tấn, bằng 97% cùng kỳ năm trước, sản lượng tiêu thụ (bỏ qua tồn kho) đạt 8,3 triệu tấn, tăng mạnh 14% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nửa cuối năm 2021, MBS dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sẽ tăng lên, đưa sản lượng cả năm đạt mức 19,4-19,6 triệu tấn, tăng 6% so với 2020.

Dự báo cung cầu xăng dầu thế giới

Dự báo cung cầu xăng dầu thế giới

Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tiếp tục tăng lên mạnh mẽ khi các nước Mỹ, Châu Âu đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid19. Trong tháng 5, tiêu thụ dầu và chất lỏng đạt 96.22 triệu thùng/ngày (tth/ng).

Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tiếp tục được dự báo tăng lên khi Mỹ thực hiện mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, cũng như bước vào mùa lái xe trong các tháng hè tới đây. EIA dự báo nhu cầu sẽ tăng liên tục về nửa cuối năm 2021 và đạt mức 101.43 tth/ng vào tháng 12/2021, đưa trung bình cả năm lên mức 97.65 tth/ng, tăng 5.8% so với trung bình 2020, tương đương tăng 5.38tth/ng.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu trong 2021 sẽ tăng thêm 5.4 tth/ng so với 2020.

Trong năm 2022, nhu cầu dầu tiếp tục tăng thêm 3 tth/ng, quay trở lại mức trước đại dịch Covid19 vào thời điểm cuối năm 2022.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong báo cáo tháng 6, cũng đưa ra nhận định lạc quan khi dự báo tiêu thụ dầu sẽ đạt 98.18 tth/ng vào quý 3 và 99.82 tth/ng vào quý 4.2021, đưa mức trung bình cả năm đạt 96.58 tth/ng, tăng 5.95 tth/ng, tương đương 6.58% so với 2020.

Theo EIA, Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Á có mức độ phục hồi nhu cầu tốt nhất trong 2021, khi lần lượt đạt mức 8.2%, 6.6% và 8.1%, bất chấp tình hình dịch Covid19 vẫn còn phức tạp ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. 3 Nhóm này chiếm đến 65% tổng nhu cầu tăng thêm trong năm 2021./.