|
Bộ trưởng Phát triển Kỹ năng Nghề nghiệp và Doanh nghiệp Ấn Độ Dharmendra Pradhan |
Bộ trưởng Phát triển Kỹ năng Nghề nghiệp và Doanh nghiệp Ấn Độ Dharmendra Pradhan kêu gọi ngành công nghiệp chủ động tạo việc làm và đảm bảo rằng đất nước không bị lỡ chuyến tàu Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Ông cho biết, mỗi năm, có từ 10 đến 15 triệu người bước vào đội ngũ tìm việc làm và cần phải tạo ra một hệ sinh thái phát triển kỹ năng nghề nghiệp để họ có cơ hội tuyển dụng.
"Lần này chúng ta không được phép bỏ lỡ chuyến tàu cuộc cách mạng công nghiệp", ông Pradhan phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Kỹ năng nghề nghiệp do Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) tổ chức vào giữa tuần vừa rồi.
Ông nói rằng bốn bên liên quan chính - Chính phủ trung ương, các tiểu bang, các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự - cùng có trách nhiệm và cần phải cộng tác để phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Ông nhấn mạnh rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tự động hóa phải được cả nước và khu vực tư nhân chấp nhận.
FICCI đã đề xuất với chính phủ đưa ra số liệu về tạo việc làm. Ông Mohandas Pai - Chủ tịch Ủy ban Phát triển Kỹ năng Nghề nghiệp của FICCI đã thông báo với Bộ trưởng Pradhan rằng, trong ba năm qua đã tạo ra được khoảng 18 triệu việc làm. Ông Mohandas Pai cũng tìm kiếm sự can thiệp của chính phủ để cải cách chính sách giáo dục và khuyến khích những người tạo ra công ăn việc làm.
Về phần mình, Bộ trưởng Pradhan cảnh báo về mối lo ngại rằng, trung bình có tới 5% số người trong lực lượng lao động không được đào tạo tay nghề.
Theo ông Pradhan, ở các nước phát triển, tỷ lệ nhân lực có kỹ năng dao động từ 50 % trong một số lĩnh vực nhất định đến 90 phần trăm ở những lĩnh vực khác, trong khi đó ở Ấn Độ con số này chỉ là khoảng 10%.
Bộ Phát triển Kỹ năng Nghề nghiệp và Doanh nghiệp đã ký kết các thoả thuận với một số nước như Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Đức với mục đích chuyển giao công nghệ trong đào tạo nghề, thành lập các trung tâm xuất sắc, di chuyển lao động quốc tế thông qua việc lập bản đồ về yêu cầu tuyển dụng và phát triển các tiêu chuẩn lao động xuyên quốc gia.