Amazon vào Việt Nam: Sức ép hay cơ hội của doanh nghiệp nội?

VietTimes -- Amazon vào Việt Nam, đồng nghĩa với việc thêm một gã khổng lồ nữa đổ bộ vào ngành thương mại điện tử non trẻ của Việt Nam. Tất nhiên, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp nội gặp áp lực cạnh tranh lớn hơn, nhưng điều này cũng sẽ giúp thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn VTV
Ảnh minh họa. Nguồn VTV

Lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất

Ngày 6/3, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) mập mờ cho biết Tập đoàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon có thể sẽ chính thức vào Việt Nam từ ngay tháng 3 này.

Cụ thể, đại diện VECOM cho hay, trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore sẽ tham dự và là một trong những diễn giả chính tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2018). Diễn đàn sẽ diễn ra vào ngày 14/3 tại Hà Nội và 16/3 tại Tp.HCM.

Tại sự kiện này, đại diện của Amzazon sẽ chia sẻ các nghiên cứu, phân tích về thị trường thương mại điện tử Việt Nam, đồng thời cũng cho biết về các chiến lược cụ thể của Amazon tại Việt Nam.

Cũng thông qua VOBF 2018, Amazon sẽ khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể bán hàng, xuất khẩu qua hệ thống mạng lưới tổ chức của nhà bán lẻ trực tuyến lớn hàng đầu thế giới này.

Đây không phải là thông tin mới, khi từ tháng 12/2017, đại diện của Amazon cũng đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới thị trường Việt Nam khi làm việc với VECOM.

Sau buổi làm việc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng cho biết, dự kiến Amazon sẽ triển khai 2 bước chiến lược khi hoạt động tại Việt Nam.

“Chiến lược của Amazon gồm có 2 bước: Bước thứ nhất, họ muốn xuất khẩu hàng hóa qua biên giới; Bước thứ hai, họ muốn nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Người tiêu dùng muốn mua hàng trên Amazon, nhưng thực ra Amazon cũng quan tâm chiều ngược lại. Họ muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xuất khẩu trên Amazon” – ông Nguyễn Thanh Hưng nói.

"Việc Amazon thâm nhập thị trường Việt Nam nên được nhìn ở hai góc độ. Bên cạnh nhập khẩu hàng hóa, việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa nên được coi là “điều tuyệt vời” và cần khai thác", ông Hưng nhận xét.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm vừa và nhỏ vốn luôn nằm trong chiến lược phát triển của Amazon. Như tại Ấn Độ, Amazon đã đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của thương mại điện tử và thuyết phục các nhà cung cấp nhỏ lẻ rằng, Amazon là một đối tác tin cậy có thể giúp họ mở rộng thị trường cho các sản phẩm của mình. Amazon còn cố gắng bắt tay với các chủ cửa hàng nhỏ lẻ, biến họ thành đối tác trong khâu giao nhận hàng hóa, qua đó, giảm bớt được những khó khăn trong việc chuyển hàng tại các vùng nông thôn.

Như vậy, với việc Amazon vào Việt Nam, doanh nghiệp bán lẻ này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ trong nước có thể quảng bá sản phẩm của mình trên thế giới qua hệ sinh thái của Amazon. 

Ông Nguyễn Thanh Hưng đánh giá, việc Amazon thâm nhập thị trường Việt Nam nên được nhìn ở hai góc độ. Bên cạnh nhập khẩu hàng hóa, việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa nên được coi là “điều tuyệt vời” và cần khai thác
Sức ép tới doanh nghiệp bán lẻ

Việc các ông lớn trong ngành thương mại điện tử đổ bộ vào Việt Nam cũng đang tạo nhiều sức ép tới các doanh nghiệp bán lẻ, vốn là đầu mối trung gian duy nhất phân phối hàng hóa từ các nhà máy sản xuất tới tay khách hàng.

Amazon vào Việt Nam: Sức ép hay cơ hội của doanh nghiệp nội? ảnh 1 Amazon vào thị trường Việt Nam sẽ tạo ra những thách thức gì tới các doanh nghiệp trong nước?

Nhận định xung quanh việc trung tâm Parkson Flemington phải đóng cửa sau 8 năm hoạt động, ông Phạm Thái Bình, Trưởng Bộ phận Bán lẻ, Savills TP.HCM cho biết, mô hình thương mại điện tử đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến mô hình bán lẻ truyền thống.

Việc người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quen thuộc với việc sử dụng internet, thiết bị điện tử cũng như xu hướng thanh toán bằng thẻ tín dụng, trong tương lai, mô hình thương mại điện tử sẽ dần thay thế các doanh nghiệp bán lẻ, hay thậm chí là cả các trung tâm thương mại.

Thực tế, ngay các trung tâm thương mại hiện đại cũng đang dần phụ thuộc vào thương mại điện tử để gia tăng doanh số. Một cách hình tượng, từ góc độ cạnh tranh, chính những nhà bán lẻ trong các trung tâm thương mại đang kết hợp với thương mại điện tử để kinh doanh, phát triển. 
Ngoài các doanh nghiệp bán lẻ, các doanh nghiệp đã hoạt động trong ngành thương mại điện tử như Sen đỏ, Tiki,... không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra cuộc tranh giành thị phần với các ông lớn nước ngoài.
Bằng chứng là, chỉ với việc Alibaba và Việt Nam, Tiki đã phải bán mình cho JD - một công ty của Trung Quốc - để nhận được khoản đầu tư lên tới 44 triệu USD mở rộng thương hiệu.

Đại diện của Singapore là Shopee, Lotte.vn của Hàn Quốc… cũng nhận được khoản đầu tư 500 triệu USD từ Tencent, doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Á cho cuộc đua tốn kém, lâu dài ở Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá, sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài đang khiến thị trường thương mại điện tử “nóng” hơn bao giờ hết. Cùng với Alibaba, Amazon được đánh giá  có cơ hội rất lớn để trở thành sàn thương mại điện tử số 1 ở Việt Nam với sức mạnh về nhiều mặt: nguồn hàng, tài chính, kinh nghiệm,...

Tuy nhiên, hiện nay, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang còn rất rộng lớn nên sẽ phải  khá lâu nữa mới có thể xảy ra cạnh tranh lợi ích giữa các doanh nghiệp trong mảng thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Giám đốc trung tâm người bán của CTCP Công nghệ Sen Đỏ nhận định: “Hiện doanh số thương mại điện tử của Việt Nam mới chỉ đạt 5 tỷ USD, chiếm trên 3% và ở nước ngoài đâu đó khoảng 10-20% mới có cạnh tranh. Nhưng Việt Nam cũng còn xa mới đạt được ngưỡng đấy”.

Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki cũng không tỏ ra lo lắng về những đối thủ tầm cỡ thế giới trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Theo ông, chính sự xuất hiện của những đối thủ khổng lồ đã khiến các quỹ đầu tư lớn vào Việt Nam đầu tư và rót vốn cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước. Tiki cũng đang phát triển rất tốt trong thời điểm Alibaba mua lại Lazada.

Chưa rõ việc Amazon vào thị trường Việt Nam sẽ tạo ra những thách thức cụ thể gì tới các doanh nghiệp trong nước. Nhưng trước mắt, các công ty nội địa đang được hưởng lợi khi có các ông lớn trong ngành dẫn dắt đường hướng, từ đó tiết kiệm được chi phí và thời gian để phát triển một thị trường non trẻ, vốn được định đoán cần hàng trăm triệu USD và hàng chục năm để khai phá.