Đánh giá sản phẩm là một trong những tính năng có mặt trong ngày đầu trên Amazon, giúp người dùng dựa vào đó để xác định chất lượng và tính xác thực của sản phẩm thông qua những bài bình luận và "chấm điểm" bằng số sao.
Tuy nhiên, một số phát hiện gần đây cho thấy không ít sản phẩm dù không được chú ý vẫn có hàng nghìn lượt đánh giá. Đa phần là các bình luận đơn giản hoặc để lại số sao "ảo", gây hoang mang cho người mua.
Người dùng cần chú ý đến các đánh giá giả mạo trước khi mua hàng trên Amazon. Ảnh: CNBC.
|
Trên Facebook, không ít hội nhóm được tạo ra để trả tiền cho bất kỳ ai nhận xét tích cực về sản phẩm trên Amazon. Vào tháng 7, các chuyên gia của Đại học California ở Los Angeles (UCLA) và Đại học Nam California (USC) đã công bố nghiên cứu cho thấy, có hơn 20 nhóm trên Facebook liên quan đến các bài đánh giá giả mạo. Mỗi nhóm có trung bình 16.000 thành viên. Những nhóm này thực hiện khoảng hơn 560 bài đăng mỗi ngày.
Không những thực hiện đánh giá tích cực, những hội nhóm Facebook này còn nhận cả các dịch vụ đánh giá tiêu cực đối với các bài đăng của đối thủ trên Amazon. Họ sẵn sàng nhận "đánh thuê" sản phẩm khác nếu nhận được lời đề nghị hấp dẫn.
"Các bài đánh giá giả mạo đang có xu hướng gia tăng và ngày càng khó phát hiện", đại diện nhóm nghiên cứu nhận xét.
Không chỉ hội nhóm trên Facebook, các dịch vụ cung cấp bot và lượt click giả để đánh giá thứ hạng cao cũng nở rộ trên Amazon. Một số chuyên gia cho rằng, các bài đánh giá giả mạo có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng, nhất là khi người dùng có xu hướng mua hàng online do đại dịch.
Bên cạnh đó, những bài đánh giá sẽ thúc đẩy doanh số bán các sản phẩm không an toàn, đồng thời làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của những người buôn bán hợp pháp. Cuối năm ngoái, Nike và một số nhãn hàng nổi tiếng đã quyết định ngừng bán một số sản phẩm chủ đạo của mình trên Amazon, do tác động bởi các đánh giá "không trung thực".
Hồi tháng 4, một cuộc điều tra của tổ chức tiêu dùng Which? của Anh cũng cho thấy, có hàng trăm bài đánh giá "5 sao" cho những sản phẩm "lạ" nhưng đi kèm những bình luận tích cực. Thậm chí, một tài khoản còn đăng cùng một bình luận cho nhiều sản phẩm khác nhau.
Which? đã thử tìm kiếm 14 sản phẩm công nghệ, bao gồm tai nghe, đồng hồ thông minh và thiết bị đeo trên Amazon. Trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm về tai nghe cho thấy, 100% mặt hàng được bán là từ thương hiệu mà các chuyên gia công nghệ chưa từng biết đến, 71% các mục trên trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm có đánh giá 5 sao nhưng gần 90% đánh giá đó chưa được xác minh.
Nhóm nghiên cứu cũng thử truy cập vào một mẫu tai nghe từ thương hiệu "lạ" đang bán trên Amazon với giá 439 USD và nhận thấy mọi đánh giá bên trong đều 5 sao, các nhận xét đều tích cực và được đăng trong một ngày.
ReviewMeta - website độc lập chuyên kiểm tra đánh giá trên Amazon - cho biết hầu hết đánh giá chưa được xác minh trên Amazon là giả mạo. "Tôi đã rất sốc khi có quá nhiều nội dung như vậy. Nó công khai nhưng không ai chặn", đại diện ReviewMeta chia sẻ.
Trong khi đó, phía Amazon khẳng định thường xuyên kiểm duyệt các bài đánh giá từ người dùng. "Chúng tôi đã sử dụng AI, cùng đội kiểm duyệt giàu kình nghiệm để phân tích hơn 10 triệu bài đánh giá hàng tuần, nhằm chặn các bài đánh giá giả mạo hoặc bị lạm dụng trước khi chúng được xuất bản", phát ngôn viên Amazon nói với CNBC.
Số liệu nghiên cứu của Which? tháng 9 năm ngoái cho thấy, có 97% người mua hàng dựa vào các bài đánh giá trực tuyến. Cơ quan Quản lý Thị trường và Cạnh tranh của Anh ước tính, mỗi năm có khoảng 30 tỷ USD chi tiêu của người tiêu dùng nước này bị ảnh hưởng bởi các đánh giá trực tuyến. Còn theo kết quả nghiên cứu hành vi người dùng Mỹ của Trung tâm Nghiên cứu Spiegel thuộc Đại học Northwestern, các bài đánh giá trực tuyến có khả năng tăng tỷ lệ mua hàng 380%.
Theo VnExpress