Alphanam Group được thành lập từ năm 1995 với tư cách là một nhà thầu xây dựng, cơ điện, thương mại. Trải qua 25 năm hình thành và phát triển dưới sự chèo lái của Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải (SN 1965), hiện Alphanam Group đã trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, hoạt động chính trong 3 lĩnh vực gồm bất động sản, sản xuất & dịch vụ và quản lý khách sạn.
Trong đó, đã có một số thành viên niêm yết trên sàn chứng khoán, kể như CTCP Đầu tư Alphanam (Mã CK: ALP).
Theo tìm hiểu của VietTimes, ALP tiền thân là CTCP Alphanam Công nghiệp, được thành lập vào tháng 11/2001, trụ sở chính đặt tại Khu Công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Tại ngày 31/12/2019, cổ đông lớn nhất nắm quyền chi phối tại ALP là Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải với tỷ lệ sở hữu 60% vốn điều lệ. Đứng thứ 2 là vợ ông Hải – bà Đỗ Thị Minh Anh với tỷ lệ sở hữu 19%. Phần vốn còn lại hầu hết được nắm giữ bởi các thành viên khác trong gia đình ông Hải.
Về kết quả kinh doanh, vài năm gần đây ALP liên tục báo lãi, tuy nhiên biên lợi nhuận lại có phần sụt giảm mạnh. Cụ thể, năm 2017, doanh thu thuần của ALP đạt 1.610 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 449 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 27,8%.
Tuy nhiên, các năm sau đó biên lợi nhuận của ALP lại có xu hướng giảm dần.
Năm 2019, doanh thu thuần của ALP đạt 1.434 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 103 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận giảm xuống còn 7%.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của ALP đạt 1.427 tỉ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế ở mức 12,6 tỉ đồng.
Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của ALP đạt 5.249 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 17% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là các khoản phải thu ngắn hạn với gần 1.400 tỉ đồng, chi phí xây dựng dở dang là 1.803 tỉ đồng. Ngoài ra, ALP cũng dành 905 tỉ đồng để đầu tư vào các công ty liên kết, liên doanh và một số đơn vị khác.
Về cơ cấu nguồn vốn, kết thúc quý 3/2020, nợ phải trả của ALP ở mức 2.846 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 2.403 tỉ đồng, tăng trưởng 4,8% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 1.924 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 111,6 tỉ đồng.
Hiện nay, ALP đang sở hữu 9 công ty con, bao gồm: CTCP Alphanam E&C, CTCP Liên doanh Alpec, Tổng CTCP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Foodinco, CTCP Đô thị Hanel – Alphanam, CTCP Địa ốc Foodinco, CTCP Đầu tư Công viên văn hoá Mường Hoa, CTCP Foodinco Quy Nhơn, CTCP Foodinco Miền Trung, CTCP Foodinco Tây Nguyên.
Trong đó, CTCP Alphanam E&C là doanh nghiệp khởi đầu của Alphanam Group với hoạt động chính thuộc mảng nhà thầu cơ điện. Doanh nghiệp này hiện đang được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã giao dịch AME, vốn điều lệ đạt 252 tỉ đồng, công ty mẹ ALP nắm giữ 60% vốn.
Vài năm gần đây, các chỉ tiêu tài chính của AME đều tăng trưởng mạnh, tuy nhiên tương tự như ALP, biên lợi nhuận của doanh nghiệp này vẫn ở mức thấp, chỉ đạt trên dưới 1%. Năm 2019, doanh thu thuần của AME đạt 1.009 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 19 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 1,8%.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của AME đạt 951 tỉ đồng, lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn ở mức 2,87 tỉ đồng.
Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của AME đạt 1.247 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 307 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 12% và 1% so với thời điểm đầu năm. Chủ tịch HĐQT AME là ông Bùi Hoàng Tuấn (SN 1963), còn Tổng giám đốc là ông Nguyễn Minh Nhật (SN 1988) – con trai của Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải.
Cuộc chơi địa ốc của Alphanam
Từ nền tảng vững chắc trong ngành xây lắp, Alphanam Group đã hợp tác cùng nhiều tập đoàn lớn triển khai hàng loạt dự án bất động sản trên khắp cả nước như Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Đà Nẵng, TP. HCM, An Giang, … đánh dấu bước khởi đầu trên thị trường bất động sản.
Cùng với đó, các pháp nhân thành viên hoạt động trong lĩnh vực này cũng được hình thành. Trong đó, đóng vai trò cốt lõi là CTCP Địa ốc Alphanam (Địa ốc Alphanam).
Theo tìm hiểu của VietTimes, Địa ốc Alphanam được thành lập vào tháng 4/2007, trụ sở chính đặt tại số 47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Cập nhật đến cuối tháng 12/2018, Địa ốc Alphanam có vốn điều lệ 1.200 tỉ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay là bà Nguyễn Ngọc Mỹ (SN 1991) – con gái của Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải.
Tương tự như ALP hay AME, dữ liệu của VietTimes cho thấy, kết quả kinh doanh của Địa ốc Alphanam cũng chưa thực sự hiệu quả. Cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần của Địa ốc Alphanam đạt 239,4 tỉ đồng, tuy nhiên lãi thuần chỉ ở mức 209 triệu đồng, tương ứng biên lợi nhuận 0,087%.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Địa ốc Alphanam đạt 2.719 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 1.220 tỉ đồng.
Alphanam Group hiện đang phát triển hàng loạt dự án về khu đô thị, nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ có thể kể đến như: Tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Four Points By Sheraton & Luxury Apartment (quy mô 5,5 ha tại Đà Nẵng), toà nhà Marriott Courtyard & Marriott Executive Apartments (quy mô 5,7 ha tại Đà Nẵng), Công viên Văn hóa Mường Hoa (quy mô 100 ha tại Sapa, Lào Cai), khu đô thị Golden City An Giang (quy mô 48,92 ha tại An Giang), toà nhà King Palace (quy mô 9,3 ha, cao 36 tầng tại 108 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), toà nhà Golden Square (quy mô 10,9 ha tại Đà Nẵng), toà nhà Altara Residences Quy Nhơn (quy mô 3,7 ha tại TP. Quy Nhơn, Bình Định).
Dự án King Palace, như VietTimes từng đề cập, ghi nhậnsự hợp tác kín đáo giữa Alphanam và ông trùm nội thất Hùng Tuý.
Ngoài bất động sản, Alphanam Group còn liên doanh, liên kết với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, qua đó đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực sản xuất. Cụ thể, có thể kể đến như Công ty cổ phần liên doanh Alpec (tên cũ là Công ty liên doanh Fuji Alpha, sản xuất thang máy), Công ty TNHH Sơn Kansai-Alphanam (cung cấp các sản phẩm sơn), TOTO-Alphanam (phân phối thiết bị vệ sinh TOTO Nhật Bản).
Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng hoạt động trong lĩnh vực đào tạo khi sở hữu các sơ sở như Trường đào tạo dịch vụ khách sạn, Học viện ẩm thực, Học viện spa.
Mặt khác, năm 2015, Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải cũng đánh dấu việc lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng khi tham gia vào vị trí thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tuy nhiên, đây có lẽ là trải nghiệm không như ý, khi ông Hải đã sớm kết thúc hành trình ở ngân hàng NCB.
Huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán
Giữa tháng 12/2007, cổ phiếu ALP chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE). Giai đoạn này, kết quả kinh doanh của ALP rất ấn tượng với doanh thu mỗi năm đều trên dưới 1.000 tỉ đồng, qua đó thu về hàng chục tỉ đồng tiền lãi sau thuế.
Tuy nhiên, năm 2012 và 2013, ALP bất ngờ lỗ nặng với khoản lỗ sau thuế hợp nhất lần lượt là 149 tỉ đồng và 213 tỉ đồng.
Được biết, khoản lỗ hàng trăm tỉ đồng của ALP thời điểm này chủ yếu đến từ các công ty thành viên do “khẩu vị đầu tư” của ALP chủ yếu là vào các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh thua lỗ. Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải từng chia sẻ, ông hứng thú với việc thâu tóm các doanh nghiệp thua lỗ và kiếm lời từ việc phục hưng lại các công ty này.
Đến ngày 25/5/2013, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2013, HĐQT ALP đã thông qua việc huỷ niêm yết tự nguyện cổ phiếu ALP tại HOSE và huỷ lưu ký tự nguyện tại Trung tâm lưu lý chứng khoán Việt Nam (VSD).
Ngày 2/12/2014, HOSE đã có quyết định số 474/QĐ-SGDHCM về việc huỷ niêm yết toàn bộ hơn 192 triệu cổ phiếu ALP kể từ ngày 31/12/2014.
ALP cho biết, việc huỷ niêm yết cổ phiếu nằm trong chiến lược, mục tiêu và lợi ích dài hạn của công ty, giúp chủ động hơn trong việc tái cấu trúc, và có thể niêm yết trở lại sau khi tái cấu trúc thành công./.