Theo các nhà phân tích, thị trường thương mại điện tử của Hồng Kông đã trở nên quá đông đúc đối với Alibaba Group Holding trong bối cảnh gã khổng lồ bán lẻ internet Trung Quốc quyết định đóng cửa nền tảng Tmall tại địa phương vào cuối tháng 10.
Tmall Hong Kong, được thành lập vào năm ngoái như một kênh mua sắm dành riêng cho các thương gia và người tiêu dùng trong thành phố trên Taobao Marketplace, sẽ ngừng hoạt động vào ngày 31 tháng 10, theo một thông báo đăng trên nền tảng này gần đây. Theo đó, 21 tháng 8 sẽ là ngày cuối cùng để người dùng đặt hàng và các thương gia phải gửi tất cả các đơn đặt hàng trước ngày 26 tháng 8.
Theo Carlton Lai, một nhà phân tích tại Daiwa Capital Markets Hong Kong, động thái đó không có gì ngạc nhiên vì thị trường địa phương đã bị thống trị bởi HKTVmall, công ty vận hành ứng dụng mua sắm trực tuyến lớn nhất và được sử dụng rộng rãi nhất tại thành phố này.
Lai nói: “Không thể có nhiều gã khổng lồ thống trị ở Hồng Kông nếu xét đến quy mô của thị trường này. Hiệu quả hậu cần, đa dạng sản phẩm và số lượng thương nhân của Tmall Hồng Kông không thể cạnh tranh với HKTVmall.”
Theo thông báo của nền tảng, quyết định ngừng hoạt động của Tmall Hong Kong được đưa ra do thay đổi chiến lược kinh doanh. Thông báo chỉ ra rằng người tiêu dùng của thành phố sẽ tiếp tục được phục vụ thông qua các trang web bán lẻ chính ở Trung Quốc của Alibaba, cũng như các nền tảng thương mại xã hội hàng đầu Taobao và Tmall, nền tảng bán hàng trực tuyến dành cho các thương hiệu và nhà bán lẻ quốc tế.
Alibaba có trụ sở tại Hàng Châu cho biết hôm thứ tư rằng công ty dự định tập trung vào các cơ hội phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, đồng thời cam kết cải thiện dịch vụ hậu cần và khách hàng cho người tiêu dùng Hồng Kông.
"Việc đóng cửa của Tmall Hong Kong sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến người tiêu dùng địa phương vì có rất nhiều nền tảng mua sắm trực tuyến để lựa chọn," Zhang Yi, nhà phân tích trưởng của iiMedia Research có trụ sở tại Quảng Châu, cho biết.
Được biết, đối thủ thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo, cũng đã âm thầm mở rộng sự hiện diện của mình tại Hồng Kông trong tháng này. Công ty đã cung cấp các dịch vụ giao hàng và thanh toán mới phù hợp với người tiêu dùng địa phương, cũng như mô hình định giá nổi tiếng của nó.
Paul Haswell, đối tác và luật sư công nghệ tại Seyfarth Shaw có trụ sở tại Hồng Kông cho biết: “Người Hongkong có rất nhiều sự lựa chọn,từ một số sàn thương mại điện tử trong nước đến các sàn thương mại toàn cầu. Taobao của Alibaba vẫn rất phổ biến tại đây.”
Chiến dịch của Alibaba tại Hồng Kông phản ánh cách các công ty internet lớn của Trung Quốc đang cố gắng chuyển dịch dần địa điểm kinh doanh của họ trong bối cảnh tiếp Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát đại dịch cứng rắn.
Được biết Alibaba gần đây đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu chậm nhất từ trước đến nay trong quý 2 và mức lỗ ròng dự kiến lớn hơn so với cùng kỳ năm trước.
Giống như các thị trường khác, mua sắm trực tuyến đã được thúc đẩy mạnh mẽ ở Hồng Kông bởi đại dịch Covid-19. Doanh số thương mại điện tử ở thành phố tăng 27% vào năm 2020 và 50% người tiêu dùng địa phương hiện thích mua sắm trực tuyến, theo ước tính của cơ quan chính phủ, Cục Quản lý Thương mại Quốc tế, thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, định vị thị trường của Tmall Hồng Kông đã đặt nó cạnh tranh trực tiếp với ứng dụng bán lẻ địa phương nổi tiếng HKTVmall, ứng dụng có hơn 1 triệu người dùng thường xuyên tại một thành phố với dân số 7,7 triệu.
Theo SCMP