Alibaba, Baidu trình diễn sản phẩm AI và IoT tại CES Asia 2018

Sau ba ngày diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc), Triển lãm Điện tử tiêu dùng Châu Á (CES) 2018 đã chứng kiến thành tựu mới trỗi dậy của những Tập đoàn Trung Quốc trong việc xây dựng vị thế là cường quốc về công nghệ.

Ngoài lĩnh vực điện tử tiêu dùng, CES Asia 2018 cũng chứng kiến những màn trình diễn đầy ấn tượng của hai tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc: Baidu và Alibaba về trí tuệ nhân tạo và Internet kết nối vạn vật. Trong đó, Alibaba gây “sốc” khi tung ra chip Bluetooth lưới (mesh chip) thương mại đầu tiên trên thế giới, với giá chỉ 1 USD/đơn vị.

Theo Giám đốc phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo Alibaba Miffy Chen, công nghệ Bluetooth lưới cũng như Wi-Fi cho phép các thiết bị giao tiếp nằm cách xa nhau và không phụ thuộc hoàn toàn vào một điểm phát cụ thể nào. Với nhu cầu dữ liệu thông thường, ưu thế này có vẻ không quan trọng. Tuy nhiên, nó lại là động lực rất lớn đối với việc phát triển các thiết bị internet kết nối vạn vật (IoT), cũng như các mô hình tổng thể như nhà thông minh, đô thị thông minh.

Ngoài “món mới” này, Alibaba cũng mang tới triển lãm bộ loa thông minh TMall Genie tích hợp trợ lý ảo AI Union do hãng tự phát triển, và đặt ngay ở lối ra vào để gây ấn tượng với khách tham quan trải nghiệm.

Những thành tựu về trí tuệ nhân tạo đã cho phép một thế hệ robot hiện đại “Made in China” hiện diện trong CES Asia 2018.

Về phần mình, Baidu chiếm trọn một không gian lớn ở tiền sảnh để trình diễn hệ điều hành trí tuệ nhân tạo đầu tay mang tên Duer và nền tảng xe tự hành Apollo của mình.

Năm nay, sự bùng nổ của cuộc đua trí tuệ nhân tạo cùng với sự háo hức của Trung Quốc đối với việc trở thành quốc gia đi đầu đã trở thành tiền đề để CES Asia có riêng một khu vực dành cho lĩnh vực này. Không chịu kém cạnh, những công ty có quy mô nhỏ hơn cũng biết cách ghi dấu ấn riêng. Shanghai OnStar Telematics (đơn vị liên doanh giữa Generals Motors, SAIC và SAIC-GM) đã lắp ráp một cầu trượt cao 10m để khách tham quan có thể trải nghiệm, đồng thời thu hút sự chú ý vào SuperStar, hệ thống lái xe thông minh do OnStar và Cadillac (cũng thuộc GM) phát triển.

Xe buýt tự hành sử dụng nền tảng Apollo do Baidu phát triển.

Không dừng lại ở đó, Hisense – tập đoàn hàng đầu Trung Quốc về thiết bị nghe nhìn – đã có những trình diễn ấn tượng về các công nghệ mới liên quan tới tivi hiện đại. Là nhà tài trợ của World Cup 2018, tập đoàn này đã chủ động phát triển nhiều tiện ích mới dựa trên trí tuệ nhân tạo, giúp người xem có những trải nghiệm hết sức mới lạ từ giải thi đấu này. Theo Trưởng bộ phận phát triển TV thông minh Yu Zhitao, Hisense và các nhà sản xuất TV Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phát triển TV trí tuệ nhân tạo, và coi đây là sản phẩm sẽ thay thế hoàn toàn TV thông minh hiện nay.

BYTON K-Byte là minh chứng rõ nét về việc các công nghệ hiện đại hoàn toàn có thể tích hợp trong thiết kế tuyệt đẹp của ô tô truyền thống.

Được ưu ái riêng một khu vực trưng bày rộng lớn, các đơn vị cung cấp giải pháp cho ngành công nghiệp ô tô, cùng những tên tuổi lớn như Hyundai, KIA, Honda, Mercedes-Benz, Smart, Mitsubishi… đã có những màn trình diễn khá ấn tượng. Điều đặc biệt là hầu hết đều không trưng bày các dòng xe thương mại, mà đi sâu vào công nghệ tiên tiến. Trong khi Mercedes-Benz tập trung vào hệ thống đèn pha LED thông minh và giao diện trí tuệ nhân tạo của hệ thống thông tin giải trí (MUBX) mới, Hyundai lại cố gắng đem tới cho khách tham quan một bức tranh tổng thể về hệ sinh thái tương lai dựa trên công nghệ hydrogen.

Tuy nhiên, hầu hết chú ý lại đổ dồn về BYTON. Hãng ô tô non trẻ này của Trung Quốc đã nhân dịp triển lãm tung ra chiếc xe ý tưởng mới mang tên K-Byte. Đây là sản phẩm nhằm thể hiện tầm nhìn về xe thông minh và tự hành trong tương lai. BYTON là công ty mới thành lập chưa lâu, nhưng hội tụ được nhiều nhân sự cao cấp của Google, Apple, BMW… nên không lạ khi họ có những sản phẩm khá táo bạo và ấn tượng.

Sự góp mặt của hơn 100 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng là điểm nhấn quan trọng của CES Asia 2018.

Thông qua những mô hình triển lãm quốc tế, chính phủ Trung Quốc cũng tạo cơ hội gia tăng các mối quan hệ hợp tác đa quốc gia, từ đó giúp doanh nghiệp của mình học hỏi, tìm kiếm đối tác và phát triển kinh doanh, từ đó có ưu thế trong cuộc đua của công nghệ 5G và các phát kiến AI, vốn đã – đang – và sẽ khiến cả thế giới sôi sục. Điều này thể hiện rất rõ nét qua việc nhiều quan hệ hợp tác mới giữa các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc với tập đoàn nước ngoài đã được thiết lập trong khuôn khổ CES Asia 2018. Một ví dụ là sự kết hợp giữa đơn vị phát triển xe thông minh của Baidu và BMW Trung Quốc, trong việc phát triển mô hình kết nối giữa xe và căn hộ (V2H: Vehicles to Home), nhằm đem tới cho người dùng nhiều tiện ích thông minh hơn.

Có thể thấy, Trung Quốc lâu nay luôn thể hiện nỗ lực rất lớn để chứng tỏ mình trong cuộc đua công nghệ với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm 2018, điều này càng trở nên quan trọng khi Washington không ngừng chỉ trích “đối tác” trong các vấn đề liên quan tới sở hữu sáng chế công nghệ. Trong bối cảnh ấy, dường như CES Asia 2018 đã rất thành công khi ghi điểm cho năng lực sáng tạo của ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng Trung Quốc, và là tuyên bố sắc nét của Bắc Kinh trước cộng đồng quốc tế về khả năng “khởi nghiệp” trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của tương lai.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/cntt/cuoc-song-thong-minh/alibaba-baidu-trinh-dien-san-pham-ai-va-iot-tai-ces-asia-2018-168629.ict