Airbus và tập đoàn công nghệ Hà Lan phát triển hệ thống truyền thông laser cho máy bay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Airbus và Tập đoàn VDL Hà Lan đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển và sản xuất hệ thống thông tin liên lạc bằng laser cho máy bay, được gọi là UltraAir. Nguyên mẫu trình diễn dự kiến được thử nghiệm năm 2024.
Sơ đồ hệ thống thiết bị đầu cuối thông tin liên lạc UltraAir của Airbus và TNO. Ảnh Flight Global.
Sơ đồ hệ thống thiết bị đầu cuối thông tin liên lạc UltraAir của Airbus và TNO. Ảnh Flight Global.

Tập đoàn hàng không vũ trụ Airbus và nhà cung cấp công nghiệp công nghệ cao Hà Lan VDL Group sẽ cùng phát triển và sản xuất thiết bị đầu cuối liên lạc bằng laser cho máy bay, được gọi là UltraAir, theo thông cáo báo chí của công ty Airbus công bố ngày 10/1.

Công nghệ này phát triển trên cơ sở dự án cùng tên do Airbus và Tổ chức Nghiên cứu Khoa học Ứng dụng Hà Lan (TNO) dẫn đầu. 2 công ty sẽ thiết kế nguyên mẫu trình diễn và dự kiến thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2024.

Sơ đồ 3D minh họa hệ thống UltraAir của Airbus. Ảnh Airbus

Sơ đồ 3D minh họa hệ thống UltraAir của Airbus. Ảnh Airbus

Kể từ năm 2024, Airbus và VDL Group, công ty sản xuất công nghiệp công nghệ cao của Hà Lan tiếp tục công nghiệp hóa nguyên mẫu thông tin liên lạc laser để sẵn sàng tích hợp với máy bay thử nghiệm. VDL sẽ thực hiện các thiết kế sản xuất cho đối tác và sản xuất các hệ thống quan trọng. Một chuyến bay thử nghiệm của nguyên mẫu công nghiệp hóa này được lên kế hoạch vào năm 2025, sử dụng một máy bay chở khách.

UltraAir sẽ cho phép trao đổi một dung lượng lớn dữ liệu bằng phương pháp sử dụng chùm tia laser trong mạng lưới các trạm mặt đất và vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh ở độ cao 36.000 km so với Trái Đất. Với công nghệ độc đáo bao gồm hệ thống cơ điện tử quang học chính xác và độ ổn định cao, thiết bị đầu cuối laser sẽ mở đường cho tốc độ truyền dữ liệu đạt tới vài gigabit/giây đồng thời cung cấp khả năng chống nhiễu và khả năng bị đánh chặn thấp.

Bằng phương pháp này, UltraAir cho phép máy bay quân sự và UAV (Máy bay không người lái) kết nối trong một đám mây chiến lược – chiến thuật đa miền nhờ các chòm sao vệ tinh viễn thông trên cơ sở công nghệ chùm tia laser như SpaceDataHighway của Airbus.

Đây là một cột mốc quan trọng trong lộ trình chiến lược tổng thể của Airbus nhằm thúc đẩy sự phát triển thông tin liên lạc bằng laser hơn nữa, điều này sẽ mang lại những lợi ích của công nghệ này như một điểm khác biệt chính, cung cấp khả năng liên kết phối hợp tác chiến đa miền cho các khách hàng từ chính phủ và quốc phòng.

Trong tương lai, UltraAir có thể được triển khai trên các máy bay vận tải thương mại, cho phép hành khách trên máy bay có thể sử dụng kết nối dữ liệu tốc độ cao.

Được coi là giải pháp cho lưu lượng lớn dữ liệu thời đại lượng tử, các công nghệ truyền thông laser là cuộc cách mạng tiếp theo trong truyền thông vệ tinh (satcom). Thực tế là khi nhu cầu băng thông vệ tinh ngày càng tăng, các dải tần số vô tuyến satcom truyền thống đối mặt với tình trạng tắc nghẽn thông tin.

Giao tiếp bằng laser mang lại lượng dữ liệu gấp 1.000 lần, nhanh gấp 10 lần so với mạng hiện tại. Các liên kết laser cũng có ưu điểm then chốt là không bị nhiễu và bị đánh chặn, vì so với các tần số vô tuyến, chùm tia laser rất hẹp và đi theo đường thẳng không lan tỏa. Hơn nữa, các thiết bị đầu cuối laser nhẹ hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn và cung cấp khả năng bảo mật cao hơn nhiều so với sóng vô tuyến

Dự án UltraAir được Airbus và Tập đoàn VDL đồng tài trợ bởi cũng với sự hỗ trợ từ chương trình ESA ScyLight (Công nghệ truyền thông an toàn và laser) và chương trình “NxtGen Hightech” thuộc Quỹ tăng trưởng Hà Lan, do TNO và một nhóm lớn các công ty Hà Lan dẫn đầu.

Airbus gần đây cũng đầu tư mạnh mẽ vào các loại công nghệ mới và tiên tiến. Tháng 12/2022, công ty hợp tác với CERN, Phòng thí nghiệm vật lý hạt châu Âu, để khởi động Airbus UpNext, một dự án nhằm đánh giá mức độ siêu dẫn có thể đóng góp vào tiến trình khử carbon của các hệ thống máy bay trong tương lai. Dự án đặt mục tiêu thiết kế một nguyên mẫu trình diễn hệ thống phân phối điện siêu dẫn cho ngành hàng không lượng khí thải thấp (SCALE), nhằm mục đích thúc đẩy áp dụng công nghệ siêu dẫn trong các hệ thống phân phối điện trên máy bay.

Trong cùng tháng 12, công ty cũng phát triển động cơ pin nhiên liệu chạy bằng hydro, một trong những giải pháp tiềm năng để cung cấp cho máy bay không khí thải, sẽ được đưa vào hoạt động năm 2035.

Theo Interesting Engineering