Ai thâu tóm chứng khoán ASC?

VietTimes – Quyết định chuyển trụ sở chính từ Tp. HCM ra Hà Nội, tăng mạnh vốn điều lệ lên 268,8 tỉ đồng – đó là những động thái đáng chú ý của CTCP Chứng khoán ASC (ASCS) sau những chuyển động lớn trong cơ cấu cổ đông.
Hậu thâu tóm, nhóm chủ mới bắt đầu để lại dấu ấn ở CTCP Chứng khoán ASC

Ngày 16/6/2021, ông Nguyễn Công Tuấn (SN 1983) đã nhận chuyển nhượng 3,65 triệu cổ phần, trở thành cổ đông chi phối tại ASCS với tỉ lệ sở hữu 65,29% vốn điều lệ.

Cùng ngày, ACSC cũng đón thêm một cổ đông lớn khác, là ông Nguyễn Tiên Phong (SN 1978). Nhà đầu tư cá nhân này đã nhận chuyển nhượng 1,22 triệu cổ phần, chiếm 21,86% vốn điều lệ ASCS.

Cả ông Nguyễn Công Tuấn và ông Nguyễn Tiên Phong đều không sở hữu cổ phiếu ASCS nào trước đó.

Sau loạt chuyển động lớn trong cơ cấu cổ đông, tới ngày 8/7/2021, ASCS tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 để miễn nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT cũ và bầu ra HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ông Nguyễn Công Tuấn sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT ASCS.

Đến ngày 20/8/2021, ASCS tiếp tục tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 (lần 2). Các nội dung được đại hội thông qua cho thấy dấu ấn của nhóm chủ mới ở ASCS.

Cụ thể, các cổ đông đã thống nhất chuyển trụ sở ASCS từ Tp. HCM ra Hà Nội, dự kiến đặt tại tòa nhà 89 Láng Hạ, quận Đống Đa. Đây chính là nơi toạ lạc của tòa tháp VPBank Tower - trụ sở chính của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Bên cạnh đó, đại hội cũng bầu ban kiểm soát mới nhiệm kỳ 2021 – 2026 cho ASCS với sự góp mặt của 3 thành viên nữ, gồm các bà Nguyễn Thanh Duyên (SN 1984), Hoàng Thị Quỳnh Trang (SN 1985) và Nguyễn Phương Anh (SN 1984).

Lưu ý rằng, khi tham gia ban kiểm soát ASCS, bà Nguyễn Thanh Duyên còn kiêm nhiệm vị trí Trưởng phòng kiểm toán - Ban kiểm toán nội bộ VPBank. Trong khi bà Hoàng Thị Quỳnh Trang là Trưởng phòng tư vấn pháp luật ngân hàng và khách hàng doanh nghiệp miền Bắc - Khối Pháp chế & Kiểm soát tuân thủ - VPBank.

Ngoài ra, đại hội cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ của ASCS lên mức 268,8 tỉ đồng thông qua việc chào bán 21,28 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá chào bán là 11.000 đồng/cp. Đồng thời, các cổ đông cũng chấp thuận việc bổ sung các ngành nghề môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán và bảo lãnh phát hành chứng khoán cho ASCS.

Được biết, ngày 20/9 vừa qua, ASCS đã hoàn thành đợt chào bán 21,28 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, thu về số tiền 234,08 tỉ đồng.

ASCS hoạt động ra sao?

Thành lập từ năm 2009, hoạt động kinh doanh của ASCS trên thị trường chứng khoán không quá nổi bật.

Tính tới cuối quý 2/2021, công ty chứng khoán này có vốn điều lệ ở mức 56 tỉ đồng, lỗ luỹ kế lên tới 19,9 tỉ đồng.

Cập nhật tới cuối tháng 4/2021, ASCS có 5 cổ đông, gồm 1 pháp nhân và 4 thể nhân, là ông Phan Minh Hoàn (sở hữu 3,6 triệu cổ phần, chiếm 65,29% VĐL), CTCP Hoàn Lộc Việt (sở hữu 1,2 triệu cổ phần, chiếm 21,86% VĐL), bà Nguyễn Thị Thuý Hường (sở hữu 360.000 cổ phần, chiếm 6,43% VĐL), ông Phan Vũ Tuấn (sở hữu 180.000 cổ phần, chiếm 3,21% VĐL) và bà Đỗ Thị Bích Huệ (sở hữu 180.000 cổ phần, chiếm 3,21% VĐL).

Do đó, các ông Nguyễn Công Tuấn và Nguyễn Tiên Phong có thể đã nhận lượng lớn cổ phần ASCS từ ông Phan Minh Hoàn và CTCP Hoàn Lộc Việt./.