|
Sony vốn là niềm kiêu hãnh của người Nhật Bản |
Cách đây khoảng 5 năm, các sản phẩm Sony vẫn được bày bán khắp nơi tại Nhật Bản. Vào cuối những năm 1980 và đầu thập kỷ 90, Sony dường như làm lu mờ mọi thứ trên thế giới. Nhưng bắt đầu vào năm 2012, hình ảnh Sony đã nhạt nhòa dần. Sony chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Thông tin xấu dồn dập đến với Sony trong những năm gần đây. Hãng đã phải tuyên bố bán thương hiệu máy tính Vaio, vốn là một niềm kiêu hãnh của Sony và là thương hiệu đẳng cấp mà nhiều người tiêu dùng mơ ước sở hữu sản phẩm.
Thông tin gần đây còn cho biết Sony có thể phải bán cả mảng kinh doanh smartphone. Ngoài ra, hãng liên tục phải cắt giảm nhân sự. Một số người nói Sony đang sống như một xác chết, và hãng sẽ không thể sống sót nữa.
Bắt đầu lỗ kỷ lục vào năm 2012
Từ trước đến nay, đã có hàng trăm bài báo và nhiều cuốn sách viết về việc tại sao Sony lại rơi vào suy thoái. Một số còn đặt vấn đề như một câu chuyện bí ẩn giết người rùng rợn: “Ai đã giết Sony?”
Nhưng các câu trả lời không rõ ràng. Có phải Sony đã tự sát? Vị giám đốc nào đã đẩy Sony vào bờ vực thẳm? Hay Sony chết vì những vết thương của chính công ty? Sony bị ám sát từ bên ngoài? Liệu có một âm mưu nào đó phía sau sự sụp đổ của công ty?
Nhiều người tuyên bố biết câu trả lời, nhưng có lẽ những người thực sự biết câu trả lời chính là những cửa hàng bán đồ điện tử ở Nhật, và những người từng làm việc tại Sony.
Sony làm ăn không thuận lợi từ mấy năm nay. Báo New York Times cho biết vào tháng 3/2012, Sony đã bị lỗ kỷ lục 455 tỷ yên (tương đương 5,7 tỷ USD). Đó là năm mà Sony lỗ tồi tệ nhất lịch sử của hãng – do gặp khó trong mảng kinh doanh TV, do giá đồng yên lúc đó tăng mạnh và do các thảm họa tự nhiên ở Nhật và ở nước ngoài.
Nói cho công bằng, Sony vẫn được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Theo một bài viết trên trang web của Trung tâm nghiên cứu văn hóa Nhật Bản, người tiêu dùng khi nghĩ về hàng điện tử Nhật Bản, họ sẽ “tự động” nghĩ đến hình ảnh Sony hoặc Panasonic. Sony vẫn là biểu tượng chất lượng trong mắt nhiều người dùng.
Người đã "giết chết" Sony là Nobuyuki Idei?
Một đại diện nhà đầu tư châu Âu nhớ lại cuộc gặp với Idea: “Tôi đến Nhật để thảo luận với ông Idei về những mối quan ngại đang ngày càng lớn của Sony. Chúng tôi ăn tối cùng nhau. Tôi muốn nói về tỷ suất lợi nhuận; Idea muốn nói về loại rượu mà chúng tôi đang uống”. Khi nhà đầu tư này chỉ ra rằng lợi nhuận hoạt động của Sony với các sản phẩm điện tử chỉ là 2-4% trong khi Samsung đạt tỷ suất lợi nhuận là 30%, Idei đã nói rất “hào hùng” rằng: “Samsung chỉ làm phụ kiện cho sản phẩm của chúng ta. Đó là sự khác nhau giữa một nhà sản xuất thép và một nhà sản xuất xe hơi. Chúng ta sản xuất xe hơi”. Nhà đầu tư này đã trả lời: “Tôi có tin này cho ông – những nhân sự mà ông đã mất đi tại nhà máy ô tô hiện đang làm việc tại nhà máy thép; rồi đây nhà máy thép sẽ sản xuất ô tô bằng công nghệ của ông”. Nhưng cảnh báo đó không được để ý. Đó là vào năm 2004 khi họ gặp nhau lần cuối, và trong khi iPod ngày càng nổi lên là thiết bị nghe nhạc di động hàng đầu, Sony hay cả Idei, đều không xem đó là điều quan trọng. Khi Sony tuyên bố đưa Howard Stringer làm CEO mới của Sony vào năm 2005, nhà đầu tư này đã gửi thông điệp đến cho Stringer đồng thời tỏ thiện chí hỗ trợ văn phòng Nhật Bản của Sony. Ông Stringer điều hành Sony mấy tháng, và sau đó nhà đầu tư nhận được thông điệp là bản thân Stringer cũng không để ý đến vấn đề. Ngay sau đó, nhà đầu tư này đã giảm hẳn mối quan tâm vào Sony. “Chúng tôi vẫn có cổ phần trong công ty, vì thế tôi không muốn nói nhiều. Nhưng rõ ràng với tôi, vào năm 2004, Sony đang ở trong cuộc chiến với chính họ”. Những năm gần đây Sony gặp rất nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh không như mong đợi. Hiện tại, công ty vẫn đang nỗ lực vươn lên. Trong phần tiếp theo của loạt bài “Ai đã "giết" Sony?”, ICTnews sẽ phân tích bối cảnh thị trường và nền kinh tế Nhật Bản, những yếu tố tác động đến khả năng kinh doanh cũng như sức cạnh tranh của Sony và các công ty Nhật Bản trước sự thay đổi của nền kinh tế thế giới.
Theo: ITC New