Agribank “chạy đà” cho cổ phần hóa

VietTimes -- Nằm trong danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã sớm cho thấy sự chuyển biến tích cực cả về lợi nhuận và chất lượng tài sản. Tuy nhiên, để có thể cổ phần hóa đúng kế hoạch, Agribank vẫn còn những “bài toán” khó mà nhà băng này không thể tự quyết.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo Báo cáo tài chính bán niên năm 2019 đã soát xét, Agribank ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm đạt 6.238 tỷ đồng, vượt xa mức lợi nhuận của cả năm 2018 (đạt 5.769 tỷ đồng).

Đà tăng trưởng tiếp tục được kéo dài, khi mới đây, nhà băng này tiếp tục báo lãi trước thuế 7 tháng đầu năm 2019 đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 127% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành tới 75% kế hoạch năm.

Nhìn lại giai đoạn từ năm 2015 tới nay, Agribank chỉ thực sự bứt phá mạnh kể từ năm 2018 với mức lợi nhuận ròng đạt được là 5.769,5 tỷ đồng, tăng 63,8% so với năm trước.

Như vậy, sau nhiều năm không được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động, Agribank dường như đang cho thấy một bức tranh hoàn toàn mới. Kết quả này đến từ nhiều yếu tố.

Trong đó, Agribank đã duy trì được sự tăng trưởng tốt về thu nhập lãi thuần, được cải thiện qua từng năm. Lũy kế nửa đầu năm 2019, thu nhập lãi thuần của Agribank đạt 21.196 tỷ đồng, tăng trưởng 10,79% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh của Agribank giai đoạn 2015 - Q2/2019 (Nguồn: Agribank, PV tổng hợp)

Mặt khác, ngân hàng cũng ghi nhận hàng nghìn tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động khác mỗi năm, đỉnh điểm là năm 2018 với 8.023 tỷ đồng, tăng 58% so với năm 2017. Nửa đầu năm 2019, lãi thuần từ hoạt động khác của Agribank đạt mức 3.717 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.

Theo thuyết minh trên báo cáo tài chính, đây là khoản lợi nhuận thu về từ các khoản nợ gốc đã xử lý và thu từ lãi của các khoản nợ đã xử lý rủi ro trong kỳ.

Ở chiều hướng ngược lại, Agribank cũng được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, đặc biệt là đối với các khoản trái phiếu VAMC, trong giai đoạn 2015 - 2018.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, ngân hàng này đã dành ra tới 9.678 tỷ đồng trích lập dự phòng và mua lại 26.068 tỷ đồng trái phiếu VAMC để xử lý rủi ro. Điều này kéo số dư trái phiếu chưa trích lập dự phòng tại thời điểm cuối năm xuống mức 2.355 tỷ đồng.

Số dư trái phiếu VAMC của Agribank giai đoạn 2015 - Q2/2019 (Nguồn: Agribank, PV tổng hợp)

Tính đến ngày 30/6/2019, gần như toàn bộ số trái phiếu VAMC còn lại tương đương với hơn 1.013 tỷ đồng cũng đã được trích lập dự phòng đầy đủ. Do đó, trong nửa cuối năm 2019, chi phí trích lập dự phòng trái phiếu VAMC nhiều khả năng sẽ không còn là gánh nặng với Agribank như những năm trước.

Một bảng cân đối kế toán sạch bóng trái phiếu VAMC (cùng tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp) đang là tiền để giúp Agribank trở thành cơ hội đầu tư hấp dẫn khi tiến hành cổ phần hóa. Song, quá trình này cũng đang gặp phải những thách thức, vướng mắc mà nhà băng này không thể tự giải quyết được.

Với khối tài sản lớn nhất trong hệ thống với gần 3 triệu m2 đất thuộc quyền quản lý, thời gian xác định giá trị của Agribank cũng trở nên phức tạp và mất nhiều thời gian hơn. Mặt khác, cũng giống như nhiều “ông lớn” ngân hàng nhà nước khác, Agribank cũng đang phải đối mặt với áp lực tăng vốn nhằm cải thiện các hệ số an toàn./.