Chiều 28/6, CTCP Tập đoàn IPA (Mã CK: IPA) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023) với số cổ đông tham dự đại diện cho 145,7 triệu cổ phần, chiếm 77,54% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Chia sẻ tại đại hội, bà Phạm Minh Hương, Thành viên HĐQT cho biết, từ khi IPA thành lập (năm 2006) đến nay, tập đoàn vẫn luôn kiên định với mô hình 3 mũi nhọn là Investment (đầu tư), Private equity (đầu tư tư nhân) và Asset management (quản lý tài sản).
Trong lĩnh vực đầu tư, IPA thực hiện đầu tư cả trực tiếp lẫn gián tiếp, lựa chọn những ngành kinh tế bền vững như nông nghiệp sạch, năng lượng, dịch vụ tài chính.
Đáng chú ý, bà Hương tiết lộ IPA cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ với đội ngũ nhân sự lên tới 600 người. “Trong một khía cạnh nào đó, có thể gọi IPA là một tập đoàn công nghệ”, bà Hương nói.
Trong thời gian sắp tới, khi có điều kiện thuận lợi, IPA sẽ tiếp tục mở rộng cơ hội đầu tư dựa trên nền móng vững chắc đã được tạo dựng trong suốt quá trình hoạt động.
Về trái phiếu phát hành, ông Vũ Hiền, Chủ tịch HĐQT IPA cho biết trong năm 2021 – 2022, IPA đã thâu tóm một số dự án và hiện đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý.
“IPA phát hành trái phiếu nhằm thu hút vốn cho những dự án này”, ông Hiền nói và khẳng định tập đoàn có kế hoạch khai thác hiệu quả, an toàn nguồn vốn từ trái phiếu trong quá trình chờ dự án được đầu tư, xây dựng.
Ông Mai Hữu Đạt, Tổng giám đốc IPA cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2023, tập đoàn ghi nhận tổng doanh thu đạt 500 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 80 tỉ đồng.
Mục tiêu tổng doanh thu 1.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 348 tỉ đồng
AGM 2023 của IPA đã thông qua kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023, với mục tiêu tổng doanh thu 1.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 348 tỉ đồng, gấp 4,3 lần so với thực hiện năm 2022.
Ban lãnh đạo IPA cho biết, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận nêu trên được đưa ra một cách thận trọng trên cơ sở ước tính các khoản doanh thu và lợi nhuận dự kiến thu được từ các hoạt động đầu tư kinh doanh hiện hữu, và chưa tính đến các khoản doanh thu/lợi nhuận có thể phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng vốn/tài sản (nếu có).
Về kế hoạch tăng vốn, năm ngoái, AGM 2022 của IPA đã thông qua việc chào bán 213,8 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu và chào bán cổ phiếu riêng lẻ với số lượng bằng 9,9% tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm thực hiện.
Đến tháng 9/2022, HĐQT IPA đã thông qua việc triển khai chào bán cổ phiếu ra công chúng theo nghị quyết AGM 2022, song đến nay vẫn chưa được thực hiện.
“Do các yếu tố khách quan từ cơ quan quản lý nhà nước và các yếu tố tác động của kinh tế thị trường, cho đến nay công ty vẫn chưa thực hiện việc chào bán ra công chúng và chào bán cổ phiếu riêng lẻ”, IPA lý giải và cho biết trong điều kiện thích hợp, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ các phương án tăng vốn nêu trên ở các kỳ họp tiếp theo.
Tại đại hội năm nay, HĐQT IPA đã trình cổ đông thông qua việc chào bán 4,27 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2023 đến hết năm 2024.
Về hoạt động kinh doanh, trong năm 2023, IPA sẽ tiếp tục duy trì mô hình tập đoàn (holding company), trong đó mỗi đơn vị thành viên vừa phát triển độc lập và vừa hỗ trợ lẫn nhau trong các lĩnh vực kinh doanh của mình.
Tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển sâu, rộng theo các lĩnh vực kinh doanh chủ đạo gồm dịch vụ tài chính, bảo hiểm, năng lượng, bất động sản, công nghệ tài chính, sản phẩm nông nghiệp sạch và đầu tư cổ phần tư nhân.
Công ty mẹ sẽ tiếp tục đầu tư để nâng sở hữu tại các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ tài chính, năng lượng/điện, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, nông nghiệp và bất động sản.
IPA cũng tiếp tục việc cấu trúc lại cơ cấu sở hữu tại các đơn vị thành viên, triển khai các hoạt động M&A và kể cả việc IPO đối với đơn vị thành viên có đủ điều kiện nhằm tối ưu lợi ích cho cổ đông./.