AGM 2023 TPBank: Chốt mục tiêu lợi nhuận 8.700 tỉ đồng, tăng vốn điều lệ vượt 22.000 tỉ đồng

VietTimes – Theo Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 39,19% để tăng vốn điều lệ vượt 22.000 tỉ đồng là phù hợp. Nếu kinh doanh thuận lợi, ngân hàng sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu.
TPBank chia cổ tức 39% bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 22.016 tỉ đồng (Ảnh: Văn Lâm)

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã CK: TPB) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023), với sự tham dự của 80 cổ đông, đại diện cho hơn 82% số cổ phần có quyền biểu quyết của ngân hàng.

Trong năm 2023, TPBank dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 39,19% bằng cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ từ 15.817 tỉ đồng lên 22.016 tỉ đồng.

Theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank, ban lãnh đạo đã cân nhắc và cảm thấy việc tăng vốn điều lệ thêm 39%, tương đương lên hơn 22.000 tỉ đồng là phù hợp. Ngân hàng vẫn để lại một phần lợi nhuận để phục vụ các kế hoạch kinh doanh.

"Đây là mức tăng khá cao, thông thường các ngân hàng sẽ tăng khoảng dưới 20% vốn điều lệ", ông Phú nói.

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT của TPBank (Ảnh: Văn Lâm)

Đối với việc cấp tín dụng cho dự án The Grand Manhattan của Novaland, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc của TPBank, cho biết đây là 1 trong 7 dự án mà UBND Tp. HCM ưu tiên tháo gỡ, đã hoàn thành xong việc cất nóc và triển khai kinh doanh.

"Nếu người mua băn khoăn việc xây dựng dự án có khả năng hoàn thành không, có giao nhà đúng thời hạn không, thì dự án này có khả năng cao và về pháp lý đã được tháo gỡ", ông Hưng nhấn mạnh.

Tổng giám đốc TPBank cho biết, dự án đã bán được gần 90%, chỉ còn 10% và kể cả giảm giá xuống mức tối đa thị trường thì vẫn thừa khả năng trả nợ.

Ông Hưng khẳng định, TPBank chỉ tài trợ cho các nhà thầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện công trình. Phần phải thu của những khách đã mua nhà từ trước vẫn còn lượng tiền rất lớn, dư sức để trả nợ cho ngân hàng.

Mục tiêu lãi trước thuế 8.700 tỉ đồng năm 2023

AGM 2023 của TPBank ghi nhận sự tham gia của 80 cổ đông, đại diện cho 82 % tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 8.700 tỉ đồng, tăng trưởng 11% so với mức thực hiện năm 2022.

Bên cạnh đó, TPBank đặt mục tiêu tổng tài sản dự kiến tăng 7% lên 350.000 tỉ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 ước tăng 6% lên 306.960 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 2,2%, tỷ lệ an toàn vốn đạt 12,6%.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, ngân hàng dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 39,19% bằng cổ phiếu. Trong đó, TPBank sẽ trích 1.536 tỉ đồng từ nguồn lợi nhuận để lại chưa phân phối luỹ kế đến năm 2021, 2.561 tỉ đồng thặng dư vốn cổ phần và 2.102 tỉ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022.

Tổng số cổ phần TPBank dự kiến phát hành là 619,9 triệu cổ phiếu. Sau khi phát hành theo phương án này, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng từ 15.817 tỉ đồng lên 22.016 tỉ đồng.

Cựu sếp BIDV, NHNN vào HĐQT và BKS

Cổ đông TPBank cũng thông qua tờ trình bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2023-2028.

HĐQT TPBank nhiệm kỳ 2023-2028 ra mắt đại hội (Ảnh: Văn Lâm)

Theo đó, HĐQT TPBank có 6 thành viên, bao gồm ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT), ông Đỗ Anh Tú (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Lê Quang Tiến (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Shuzo Shikata, bà Nguyễn Thị Mai Sương và bà Võ Bích Hà (thành viên HĐQT độc lập).

Sinh năm 1961, bà Sương có trình độ học vấn thạc sĩ kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân. Bà từng là Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội giai đoạn 2009 – 2016 và là Trưởng ban Hiệp hội Ngân hàng giai đoạn 2016 – 2022, sau đó nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 7/2022 đến nay.

Còn bà Võ Bích Hà sinh năm 1967, là cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà Hà đã có nhiều năm công tác tại BIDV và đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Trưởng phòng quản lý vốn góp, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư, Trưởng ban Ban Kiểm soát. Bà nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 12/2022 đến nay.

AGM 2023 của TPBank cũng thông qua việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1967) vào Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028.

Bà Hương có trình độ cử nhân Kinh tế Học viện Ngân hàng, từng giữ vị trí Vụ trưởng Vụ Thanh tra từ năm 2011 – 2019, giám sát các TCTD nước ngoài, thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước. Từ 2019 – 2022, bà Hương là ủy viên HĐQT, đại diện 30% vốn Nhà nước tại BIDV./.