Ách tắc trong nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng: Bộ Y tế nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vấn đề nhập khẩu máy móc, trang thiết bị y tế qua sử dụng ở nước ngoài về Việt Nam phục vụ cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 đang có nhiều vướng mắc, do đây là mặt hàng cấm nhập khẩu.
Nhân viên y tế vận hành trang thiết bị y tế, máy móc hiện đại (Ảnh - Minh Thuý)
Nhân viên y tế vận hành trang thiết bị y tế, máy móc hiện đại (Ảnh - Minh Thuý)

Bộ Y tế không có quyền phê duyệt hàng cấm nhập

Mới đây, thông tin với báo chí, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM – cho rằng: “Mặt trận Tổ quốc TP. HCM đang lúng túng trong việc tiếp nhận các viện trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài. Việc này ngành y tế, ngành hải quan biết rất rõ nhưng không ai giúp được. Hiện, có nhiều cá nhân, tổ chức với sự thiện nguyện đã vận động máy móc, trang thiết bị y tế qua sử dụng ở nước ngoài về Việt Nam; trong đó có máy móc Mỹ mới sản xuất, chắc chắn đã qua sử dụng nhưng còn tốt. Chính phủ cũng đã có văn bản đồng ý cho nhập thiết bị y tế qua sử dụng về Việt Nam, còn trước đó thì cấm nhập dù là từ thiện.

Cũng theo bà Châu, Chính phủ đã đồng ý nhưng ngành y tế có quan điểm ra sao thì không có trả lời nên dẫn đến hàng về tới Việt Nam rồi phải tái xuất trở lại.

Để tìm hiểu về vấn đề này, VietTimes đã liên lạc với Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế (Bộ Y tế) và được biết: Việc cho phép nhập khẩu hàng hóa viện trợ là trang thiết bị y tế đã qua sử dụng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế không có quyền trong vấn đề này.

Đại diện Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế cho biết thêm: Quy định về viện trợ trang thiết bị y tế được nêu rõ trong 4 văn bản quy phạm pháp luật gồm: Luật Quản lý ngoại thương năm 2017; Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương; Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài danh cho Việt Nam.

Theo quy định hiện hành, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng là mặt hàng cấm nhập khẩu và cả 4 văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đều quy định rõ: “Không tiếp nhận những hàng hóa (kể cả vật tư, thiết bị) thuộc danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật” và “Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định cho phép xuất khẩu hàng hóa cấm xuất khẩu.

Trang thiết bị y tế hiện đại trong phòng mổ ở bệnh viện (Ảnh - Minh Thuý)
Trang thiết bị y tế hiện đại trong phòng mổ ở bệnh viện (Ảnh - Minh Thuý)

Cũng theo đại diện Bộ Y tế, hiện lại có trường hợp một khoản viện trợ có thể bao gồm cả trang thiết bị y tế mới và thiết bị y tế đã qua sử dụng, nên thẩm quyền phê duyệt khoản viện trợ này lại thuộc nhiều cấp khác nhau: Với trang thiết bị y tế mới thì thẩm quyền thuộc bộ, ngành, địa phương; còn với trang thiết bị y tế đã qua sử dụng lại thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Tìm hướng tháo gỡ khó khăn

Làm thế nào để giải quyết các vướng mắc về thủ tục trong nhập khẩu các thiết bị y tế đã qua sử dụng, trong khi chúng ta – nhất là các vùng dịch – đang thiếu thốn máy móc, thiết bị y tế? Trả lời câu hỏi này, Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế cho biết: Trước tình hình trên, ngày 9/9/2021, Bộ Y tế đã có Tờ trình số 1359/TTr-BYT gửi Chính phủ về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có đề xuất Chính phủ:

“1. Cho phép nhập khẩu đối với hàng hóa viện trợ cho mục đích phòng, chống dịch COVID-19 là trang thiết bị y tế đã qua sử dụng với thẩm quyền như sau:

- Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt các khoản viện trợ cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 cho Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các khoản viện trợ mà chủ khoản viện trợ thuộc nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là tỉnh), trừ các khoản viện trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các khoản viện trợ cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 cho các cơ sở thuộc phạm vi quản lý;

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt các khoản viện trợ cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện do Bộ Nội dung quyết định cho phép thành lập và phê duyệt điều lệ;

- Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phê duyệt các khoản viện trợ cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 không có địa chỉ cụ thể (bên cung cấp viện trợ không ấn định cứu trợ cho một số địa phương cụ thể);

- Người đứng đầu các tổ chức hội hoặc Liên hiệp hội được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các khoản viện trợ cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 cho các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.

2. Việc thông quan đối với trang thiết bị y tế viện trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan và dựa trên quyết định phê duyệt viện trợ của cơ quan có thẩm quyền.”

Được biết, trong thực hiện công tác viện trợ của Bộ Y tế, Vụ Kế hoạch Tài chính là đơn vị đầu mối thực hiện tiếp nhận các khoản viện trợ và hướng dẫn các đơn vị liên quan về thủ tục tiếp nhận các nguồn viện trợ nước ngoài; làm đầu mối thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, dự án viện trợ và các khoản viện trợ khác cho các đơn vị trợ khác với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thuộc thẩm quyền theo quy định. Vụ TTB&CTYT tham gia, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác tiếp nhận viện trợ, điều động, thanh lý trang thiết bị y tế tại các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.