|
Liên tiếp nhiều năm, các kết quả hoạt động, kinh doanh của ABBank đều "ngoảnh mặt" trước kế hoạch đề ra |
Kinh doanh “trượt dài”…
Hồi giữa năm 2013, giới tài chính khá bất ngờ khi Ngân hàng An Bình (ABBANK) phát hành thành công 30% cổ phần cho 2 đối tác nước ngoài được đánh giá là rất mạnh là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Maybank. Những tưởng sau khi tìm được đối tác “trong mơ” của các Tổ chức Tín dụng (TCTD) lúc bấy giờ, ABBank sẽ có những “bứt phá” mạnh mẽ khi được đầu tư về vốn, công nghệ và con người. Nhưng sau hai năm nhìn lại, quả thực đang tồn tại những con số hết sức đáng buồn với tình hình hoạt động kinh doanh của ABBank.
Liên tiếp trong các năm 2013 và 2014, ABBank luôn đề ra các kế hoạch lợi nhuận khá “hoành tráng” tuy nhiên tình hình thực hiện lại hết sức “bi đát”, cụ thể kế hoạch đề ra trong năm 2013 NH này đề ra lợi nhuận trước thuế (LNTT) 650 tỷ đồng, nhưng kết quả đạt được chỉ là 191 tỷ đồng (chưa được 30% so với kế hoạch đề ra). Với kết quả vô cùng khiêm tốn như vậy, nhưng trong kế hoạch kinh doanh năm 2014, BLĐ ABBank vẫn mạnh dạn đề ra con số 400 tỷ kế hoạch LNTT nhưng thực tế lại chỉ đạt 133 tỷ đồng (33% so với kế hoạch).
Hay như mới đây, trong BCTC quý I/2015 của NH này, LNST đạt gần 92 tỷ (tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng thực tế Lợi nhuận trước thuế (LNTT) chỉ đạt 93 tỷ (giảm 16% so cùng kỳ năm ngoái), mức LNST tăng trưởng dương trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái thực chất là do cách tính thuế TNDN này áp dụng. Thêm vào đó Lãi/lỗ thuần từ hoạt động dịch vụ chỉ đạt 13 tỷ đồng (trong khi con số cùng kỳ năm ngoái là 37 tỷ đồng).
Chủ tịch ABBank Vũ Văn Tiền: “Mặc dù chỉ tiêu lợi nhuận không đạt, ABBank được NHNN đánh giá là một trong những tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu tốt nhất, đưa chỉ tiêu hoạt động về mức an toàn” (?)
Thù lao “sếp lớn” vẫn cao vời vợi
Trong khi một loạt các ngân hàng áp dụng mức thù lao HĐQT dựa trên LNST thì tại ABBank, mức thù lao này lại áp dụng đối với LNTT, cụ thể trong tờ trình Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) về thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2013 và 2014 đã được HĐCĐ thông qua, mức thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát tương đương với 2% LNTT. Thực tế, năm 2013 Thù lao đã chi cho HĐQT và BKS là 7.3 tỷ (trong khi nếu tính 2% x LNTT thì con số này chỉ là 3.8 tỷ), năm 2014 Thù lao thực tế đã chi cho HĐQT và BKS là 8.2 tỷ (cao hơn 5,6 tỷ nếu so với con số 2%xLNTT), trong tờ trình ĐHCĐ do chủ tịch Vũ Văn Tiền ký, lý do được đưa ra “Mặc dù chỉ tiêu lợi nhuận không đạt, ABBank được NHNN đánh giá là một trong những tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu tốt nhất, đưa chỉ tiêu hoạt động về mức an toàn.”
Nghĩa là theo văn bản ký bởi “một trong những người được cho là giàu nhất Việt Nam” lý giải về việc trả thù lao cho chính mình thì mặc dù chỉ tiêu lợi nhuận không đạt, nhưng nợ xấu được xử lý “tốt” nên HĐQT và BKS vẫn được hưởng mức thù lao tiền tỷ kia. Nhưng nhìn vào thực tế, con số nợ xấu của An Bình chỉ được xử lý về mặt “kỹ thuật”, đa phần số nợ xấu được “chuyển khẩu” sang VAMC, đồng thời với cách tính “khác người” (bài trước đây ANTT đã có đề cập: http://antt.vn/boc-me-ty-le-no-xau-ngoai-hang-o-abbank-019567.html) của mình ABBank đã lôi cả Cho vay các TCTD khác vào để làm đẹp con số nợ xấu trong BCTC của mình, cụ thể Tỷ lệ nợ xấu của ABBank sẽ là 4,51% trong năm 2014 theo cách tính thông thường chứ không phải là con số trong mơ 2.75% mà NH này đã công bố.
Hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu của ABBank đã được "chuyển khẩu" sang VAMC
Trong những năm qua, có những công ty, tập đoàn nước ngoài, CEO hay Chủ tịch HĐQT sẵn sàng nhận thù lao 1 USD tượng trưng như một sự chung vai góp sức đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nhưng tại Việt Nam, vẫn có những trường hợp HĐQT, BKS nhận thù lao “khủng” ngay cả khi DN đang trong tình trạng hết sức “bi đát”, tương phản với những cán bộ, nhân viên giao dịch, tín dụng vẫn hàng ngày phải tất tả ngược xuôi lo cơm áo gạo tiền khi không đủ sống với đồng lương còm cõi của mình.
Theo ANTT