90% người mắc viêm gan B và C không biết bản thân có bệnh

VietTimes -- PGS.TS. Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, bệnh viêm gan có diễn biến thầm lặng; 90% người nhiễm không biết bản thân đã mắc bệnh hoặc chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Thông tin được PGS.TS. Đỗ Duy Cường chia sẻ tại buổi sinh hoạt khoa học về “Cập nhật chẩn đoán, điều trị viêm gan B và C” vừa tổ chức tại Bệ

PGS.TS. Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân viêm gan

PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho biết, Việt Nam đang có tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B và C cao nhất khu vực: khoảng 15% dân số đang mắc bệnh, 10 triệu trường hợp nhiễm virus viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C; viêm gan đứng thứ 3 trong số các bệnh gây tử vong nhiều nhất tại nước ta.

Người mắc virus viêm gan B hoặc C thường không có triệu chứng hoặc có biểu hiện không rõ ràng. Song, bệnh có diễn biến âm thầm, khi trở nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. Vì vậy, PGS.TS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo người dân nên đi khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm, tăng cơ hội điều trị.

Mặc dù bệnh viêm gan B và C nguy hiểm, song có thể dự phòng được. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), có thể chủ động phòng tránh viêm gan B bằng cách tiêm vaccine cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế và sử dụng các biện pháp chuyên môn để can thiệp giảm tác hại của bệnh.

Còn bệnh viêm gan C đã có thuốc điều trị, tỷ lệ khỏi lên tới 90%. Người dân nên chủ động phòng tránh bệnh bằng cách hạn chế tiêm chích không an toàn; thực hiện truyền máu, thu gom và xử lý chất thải sắc nhọn an toàn; không xăm trổ, sử dụng ma túy có dùng chung dụng cụ tiêm chích; quan hệ tình dục an toàn…