74% nhân sự IT có xu hướng chuyển việc trong 6 tháng tới

VietTimes -- Hiện các doanh nghiệp ngành IT phải đối mặt với thực tế 74% nhân sự IT tham gia khảo sát cho biết họ có ý định chuyển việc trong 6 tháng tới. Chỉ 42% nhân sự IT được hỏi cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại, theo một khảo sát về mức độ luân chuyển nhân sự được thực hiện vào tháng 6/2017.
Các công ty IT hiện nay phải cạnh tranh rất nhiều để có được ứng viên. Các vị trí đang khan hiếm chủ yếu là các lập trình viên có kinh nghiệm trong mảng Java, .Net, Mobile, PHP. Ảnh minh hoạ: Internet
Các công ty IT hiện nay phải cạnh tranh rất nhiều để có được ứng viên. Các vị trí đang khan hiếm chủ yếu là các lập trình viên có kinh nghiệm trong mảng Java, .Net, Mobile, PHP. Ảnh minh hoạ: Internet

Đó là những con số được công bố tại báo cáo Thị trường Tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2017 bao gồm nhu cầu tuyển dụng và nguồn cung lao động. Đây là báo cáo được công bố dựa trên việc phân tích các công việc đăng tuyển và hồ sơ ứng tuyển trên vietnamworks.com.

IT vẫn dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng

Về tổng quan trên nguồn dữ liệu của VietnamWorks, nhu cầu tuyển dụng nửa đầu năm 2017 tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực chỉ tăng thêm 14% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy nguồn cung và nhu cầu trong tuyển dụng vẫn có sự chênh lệch nhất định.

Theo ghi nhận của VietnamWorks, ngành IT vẫn đứng đầu về nhu cầu tuyển dụng tuy nhiên nguồn cung hiện tại chỉ đáp ứng được 50% so với nguồn cầu. Các công ty IT hiện nay phải cạnh tranh rất nhiều để có được ứng viên. Các vị trí đang khan hiếm chủ yếu là các lập trình viên có kinh nghiệm trong mảng Java, .Net, Mobile, PHP. Có những ngôn ngữ lập trình mới như Ruby on Rails, Golang, JavaScrpit hoặc các frameworks (thư viện mã lệnh) có liên quan như ReactJS, NodeJs đang trong tình trạng rất khan hiếm lập trình viên, mặc dù các vị trí này được trả lương khá cao nhưng vẫn khó khăn trong việc tìm ứng viên.

74% nhân sự IT có xu hướng chuyển việc trong 6 tháng tới ảnh 1

Theo báo cáo mới nhất từ Navigos Search, ngành IT đặc biệt là lĩnh vực Data Techonology sẽ phát triển mạnh trong 3 năm tới. Các ngành trong lĩnh vực này đang khan hiếm vị trí kỹ sư IT trong lĩnh vực xử lý dữ liệu (data processing) và kỹ sư IT có kinh nghiệm liên quan đến machine learning, là một lĩnh vực thuộc trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, trong khi các nhóm ngành, nghề như Quản lý/Điều hành; Điện/Điện tử; Xây dựng và Dịch vụ khách hàng có sự tăng trưởng đồng đều về cả nhu cầu tuyển dụng lẫn nguồn cung nhân sự thì nhóm Quảng cáo/Truyền thông trong 6 tháng đầu năm lại nhu cầu tuyển dụng tăng cao, trong khi đó nguồn cung cho ngành nghề này lại không có sự tăng trưởng vượt trội.

Nguyên nhân do làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam tăng cao dẫn đến sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty trong nước và nước ngoài buộc các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn vào quảng bá hình ảnh. Bên cạnh đó, việc xây dựng “Thương hiệu nhà tuyển dụng” cũng là một lý do để doanh nghiệp đầu tư vào chiến dịch truyền thông thương hiệu. Dự đoán trong tương lai sẽ khan hiếm nhân lực làm việc trong lĩnh vực này.

Thiếu chất lượng, thừa số lượng trong ngành sản xuất và kế toán

Tại hai tỉnh trọng điểm trong ngành sản xuất là Bình Dương và Bắc Ninh, tỷ lệ cạnh tranh về việc làm hiện nay đang là 1/42. Điều đó có nghĩa 1 người phải cạnh tranh với 42 người để có được việc làm mới. Trong khi nhóm nhân lực thuộc cấp cao và cấp trung trong lĩnh vực sản xuất luôn trong khan hiếm, nhóm lao động có kinh nghiệm làm việc nhưng chưa có kinh nghiệm quản lý lại rất dồi dào dẫn đến tỷ lệ cạnh tranh khá cao là 1 người phải cạnh tranh với 50 người.

Nhóm nghề Hành chính/Thư ký và Kế toán vẫn giữ nguyên vị trí dẫn đầu trong tỷ lệ cạnh tranh. Hệ quả dẫn đến sự dư thừa nguồn nhân lực do nhóm sinh viên này được đào tạo vượt quá nhu cầu tuyển dụng của thị trường từ nhiều năm nay. Hiện nay trên cả nước có khoảng 200 trường Đại học và Cao đẳng đào tạo nghề kế toán. Theo thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố từ năm 2016, Kế toán – Kiểm toán luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ về dư thừa nhân lực, và sẽ còn dư thừa trong nhiều năm nữa.

Tuy vậy, nghề kế toán/kiểm toán vẫn nằm trong danh sách nghề được sinh viên lựa chọn học do lương cao và tương lai có khả năng tìm được việc làm trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đáng lưu ý là nghề này vẫn có tỷ lệ cạnh tranh cao do tình trạng “thiếu chất lượng, thừa số lượng”. Nguyên nhân chính do doanh nghiệp trong nước có xu hướng tuyển kế toán đã có kinh nghiệm nhiều năm và nắm chắc kiến thức về luật thuế dẫn đến tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc rất khó.

Theo báo cáo của Navigos Search từ nửa cuối năm 2016, kiểm toán/kế toán hiện đang là lĩnh vực phải đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám” cao nhất do ứng viên giỏi có cơ hội tốt để dịch chuyển trong khối ASEAN, khiến các doanh nghiệp trong nước gặp thêm nhiều bất lợi để tuyển dụng được ứng viên chất lượng đáp ứng được yêu cầu.