730 DNNN cổ phần hóa nhưng chưa lên sàn theo quy định

Đến hết Quý II/2017, theo báo cáo của Bộ Tài chính tổng hợp từ 17 bộ, 53 địa phương, 84 tập đoàn kinh tế, tổng công ty thì vẫn còn tới 730 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Thoái vốn tại Habeco hiện đang vướng trong thỏa thuận hợp tác với cổ đông lớn Carlsberg
Thoái vốn tại Habeco hiện đang vướng trong thỏa thuận hợp tác với cổ đông lớn Carlsberg

Theo báo cáo tình hình thực hiện tái cơ cấu DNNN 6 tháng đầu năm 2017 của Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, ngày 7/6/2017, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức họp với các đơn vị chưa có báo cáo và họp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất lộ trình cả phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo từng năm.

Dự kiến số DNNN cổ phần hóa theo năm 2017, 2018, 2019, 2020 lần lượt là 45 doanh nghiệp, 62 doanh nghiệp, 17 doanh nghiệp, 1 doanh nghiệp.

Về phê duyệt đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tới nay, Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đồ án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trình, VPCP đang thẩm tra để trình Thủ tướng. Còn lại 5 đề án của 5 tập đoàn kinh tế chưa trình (Cao su, Than I Khoáng sản, VNPT, Viettel, Hóa chất).

Đối với kết quả sắp xếp, cổ phần hóa DNNN tính đến hết Quý II/2017, Chính phủ đã giải thể 1 DNNN (trực thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam), đồng thời hoàn thành cổ phần hóa 6 DNNN; trong đó có 3 tổng công ty.

Chính phủ cũng đã công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 doanh nghiệp. Trong đó có những doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu rất lớn như 3 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có tổng giá trị vốn chủ sở hữu khoảng gần 90.000 tỷ đồng, 1 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 24.000 tỷ đồng.

Hiện còn 20 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Ban chỉ đạo dự kiến sẽ hoàn thành cổ phần hóa 40 doanh nghiệp nêu trên trong tổng số 45 doanh nghiệp của kế hoạch năm 2017.

Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, từ đầu năm đến hết Quý II/2017, Chính phủ đã bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 22 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 666,8 tỷ đồng (bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11589,3 tỷ đồng (bằng 314,11% so với cùng kỳ năm 2016) ; trong đó, có 6 doanh nghiệp thoái vốn dưới mệnh giá.

Liên quan đến thoái vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp quy mô lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, 11/12 doanh nghiệp đã niêm yết .

Hiện Sabeco đang lựa chọn đơn vị nhà thầu tư vấn thoái vốn nhà nước. Habeco đang xử lý vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác với Carlsberg Breweries A/S. Đối với Công ty cổ phần Sữa Vinamilk, SCIC đã trình Thủ tướng Chính phủ hai phương án bán tiếp phần vốn nhà nước tại công ty này. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đưa việc này ra họp Thường trực Chính phủ.

Về thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoản đối với DNNN thực hiện cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã rà soát, tổng hợp các doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán còn lại để công bố công khai theo quy đinh.

Đến hết Quý II/2017, theo báo cáo của Bộ Tài chính tổng hợp từ 17 bộ, 53 địa phương, 84 tập đoàn kinh tế, tổng công ty thì vẫn còn 730 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Về kết quả sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, 6 tháng đầu năm đã chuyển 1 doanh nghiệp thành công ty TNHH hai thành viên, 2 doanh nghiệp được chuyển thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, thực hiện nhiệm vụ công ích, 1 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp, 1 doanh nghiệp đã được phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới chuyển thành Công ty TNHH hai thành viên.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp cùa 40 địa phương, 1 bộ, 1 tập đoàn kinh tế và 4 tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Chỉ còn thành phố Hà Nội, thành phổ Hồ Chí Minh và thành phố cần Thơ mặc dù đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định phương án nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh lại để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đối với việc bàn giao về SCIC, đến nay có 46 doanh nghiệp các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC nhưng chưa chuyển giao và 176 doanh nghiệp chưa thống nhất chuyển giao về SCIC.

Theo VietnamFinance
http://vietnamfinance.vn/tai-chinh/730-dnnn-co-phan-hoa-nhung-chua-len-san-theo-quy-dinh-20170712153528507.htm