Đây là số liệu được VNCERT công bố trong thông tin về Hội nghị giám sát, điều phối, ứng cứu sự cố trong xây dựng Chính phủ điện tử diễn ra ngày hôm nay (26/8) tại Lý Sơn, Quảng Ngãi. Đây sự kiện được tổ chức để trao đổi các vấn đề đang rất cấp bách hiện nay liên quan đến đảm bảo an toàn mạng cho các hệ thống và dịch vụ CNTT trong xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử đang được triển khai theo Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử
Tính đến nay, mạng lưới ứng cứu sự cố ATTT mạng quốc gia có cơ quan điều phối ứng cứu sự cố quốc gia là VNCERT và 124 đơn vị, doanh nghiệp là thành viên chính thức với hơn 500 cán bộ kỹ thuật chuyên trách trong các đội ứng cứu sự cố của các bộ, ngành, địa phương.
Theo thống kê của VNCERT, hàng tuần Trung tâm này thực hiện công tác giám sát mạng và phát hiện 2 triệu sự kiện an toàn thông tin cần xử lý, trong đó thường xuyên có 40.000 - 50.000 sự kiện nguy hiểm cần phân tích và có phương án giải quyết tức thì.
Trong điều phối ứng cứu, năm 2015, Trung tâm đã ghi nhận 31.585 sự cố gồm cả sự cố Phishing (lừa đảo), Deface (tấn công thay đổi giao diện) và Malware (mã độc) cùng 1.451.997 lượt địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng Botnet. So với năm 2014, số lượng sự cố xảy ra năm 2015 tăng vọt, tăng 159,6% trong đó Phishing là 5.898 sự cố (tăng gần 4 lần so với năm 2014); Deface là 8.850 sự cố (tăng 1,06 lần so với 2014, trong đó có 252 sự cố liên quan đến các tên miền “gov.vn”); Malware là 16.837 sự cố (tăng 1,7 lần so với năm 2014, trong đó có 87 sự cố liên quan đến các tên miền “gov.vn”).
Chỉ tính riêng 6/2016, tổng số sự cố an ninh mạng được VNCERT ghi nhận là 127.630 sự cố, gồm 8.758 sự cố Phishing; 77.160 sự cố Deface và 41.712 sự cố Malware.