|
Có hay không nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất tại các công ty khẩu trang |
Thị trường khẩu trang vẫn không bớt hạ nhiệt sau yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị trực tuyến các địa phương về phòng chống dịch sẽ rút giấy phép các hiệu thuốc nếu tăng giá khẩu trang vô tội vạ. Nhiều hiệu thuốc đã bị phạt khi Quản lý thị trường đến kiểm tra, chợ thuốc Hapulico sáng nay các cửa hàng đã đồng loạt treo biển dừng bán khẩu trang và nước rửa tay khô.
Bộ Công Thương hiện nay vẫn đang làm việc sát sao với các công ty sản xuất khẩu trang và tự tin cho rằng nguồn cung trong nước sẽ đủ đáp ứng nhu cầu.
Mặc dù vậy, một số công ty sản xuất khẩu trang đang gặp một vấn đề: đó là nguyên liệu dùng để làm màng kháng khuẩn lại nhập khẩu 70% từ thị trường Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc đang hạn chế giao thương.
Trên thị trường khẩu trang hiện nay có 2 loại, một loại khẩu trang y tế và khẩu trang vải.
Theo Bộ Công Thương, với số lượng doanh nghiệp trong ngành dệt may lên đến 7.000, việc tham gia sản xuất mặt hàng khẩu trang vải không đòi hỏi nhiều về thay đổi quy trình, máy móc, việc sản xuất khẩu trang có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, đây chỉ là các khẩu trang thông thường, chưa được công nhận là khẩu trang y tế, do vậy khả năng thị trường chấp nhận đến đâu còn chưa xác định được.
Trong khi đó, với khẩu trang y tế, nguyên liệu sản xuất chính gồm vải không dệt, vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính. Vải không dệt trong nước đã sản xuất được, còn vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính hiện trong nước chưa sản xuất nên phải nhập khẩu. Để sử dụng trong phòng dịch chỉ cần loại khẩu trang 3 lớp, loại 4 lớp sử dụng chủ yếu trong các cơ sở y tế.
Khẩu trang dùng một lần có màng lọc khàng khuẩn thì nguyên liệu này phải nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 70%. Khoảng 30% còn lại có thể mua từ Ấn Độ, Malaixia, Indonesia, Đài Loan, Ai Cập, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu (Pháp, Ý).
Trung Quốc cấm xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu. Hàn Quốc và Nhật Bản khan hàng, không có hàng để bán và xuất khẩu. Ấn Độ cấm xuất khẩu sản phẩm, không cấm xuất khẩu nguyên liệu. Châu Âu thì giá rất cao.
Các nước còn lại, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn nguyên liệu và nếu tiếp cận được thì giá rất cao. Trường hợp dịch lan rộng tại các nước này, dự báo thời gian tới sẽ khó khăn hơn trong việc nhập khẩu.
Công ty Tanaphar: Nguyên liệu chỉ sản xuất thêm trong vòng 1 tuần
Công ty CP Tanaphar là công ty chuyên sản xuất khẩu trang tiệt trùng sử dụng cho các cơ sở y tế. Công ty sản xuất 02 loại khẩu trang gồm: loại 3 lớp có vải lọc kháng khuẩn và loại 04 lớp có thêm lớp than hoạt tính, với công suất từ 50.000 đến 60.000 sản phẩm mỗi ngày. Với nhu cầu gia tăng hiện nay Công ty đang sản xuất đạt mức tối đa là 24/24h mỗi ngày để cung cấp cho thị trường. Giá bán buôn khoảng 30.000 đồng/hộp 50 chiếc, không tăng giá.
Tuy nhiên với nguồn nguyên liệu hiện có, Công ty chỉ có thể sản xuất thêm trong vòng một tuần.
Công ty nhập khẩu vải lọc kháng khuẩn từ Trung Quốc. Giá nhập khẩu từ Trung Quốc trước dịch là 2 USD/kg vải lọc kháng khuẩn, hiện đã tăng lên 12 USD/kg. 1 tấn vải lọc kháng khuẩn sản xuất được 1,5 triệu khẩu trang.
Hiện nay nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc không còn nữa do Trung Quốc cấm xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu sản xuất khẩu trang và máy móc sản xuất khẩu trang. Công ty đang liên hệ nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ, nhưng cũng đang gặp khó khăn trong giao dịch và giá cũng tăng rất mạnh lên mức 10-12 USD/kg. Công ty mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Tanaphar cho rằng hiện nguyên liệu để sản xuất trong cả nước đang rất căng thẳng và chỉ có thể đáp ứng sản xuất trong khoảng 7-10 ngày tới nếu không có nguyên liệu mới nhập về. Nhu cầu hiện nay trong cả nước đối với loại khẩu trang 3 lớp cho cộng đồng dân cư vào khoảng 100 tấn/tháng tương đương khoảng 150 triệu chiếc.
Công ty dược phẩm Đại Uy: Sẽ sản xuất được 1 tỷ khẩu trang
Trong khi đó, CTCP Dược phẩm Đại Uy mới đầu tư sản xuất khẩu trang trong 1 năm gần đây bên cạnh ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thực phẩm chức năng.
Công ty có 2 dàn máy tự động (6-10 công nhân/máy) sản xuất khẩu trang 3 lớp hoặc 4 lớp, không có lớp than hoạt tính, mỗi ngày sản xuất được 50.000 chiếc khẩu trang, nếu tăng ca hết công suất có thể sản xuất được 100.000/chiếc. Hiện Công ty đang cho công nhân chạy máy 24/24h.
Công ty không bán sản phẩm ra ngoài, chỉ cung cấp cho khách hàng của Công ty với giá bán 30.000 đồng hộp 50 chiếc, không tăng giá bán. Dự kiến trong tuần tới Công ty sẽ cung cấp khẩu trang cho Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Xuất nhập cảnh mỗi đơn vị 15.000 chiếc để trang bị cho cán bộ đi làm nhiệm vụ.
Công ty không nhập khẩu màng lọc kháng khuẩn từ nước ngoài mà mua từ Công ty thương mại trong nước (Công ty TNHH Ánh Minh) và nguyên liệu này được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan. Giá mua nguyên liệu này đã tăng lên 120.000 đồng/kg (trước đó Công ty mua với giá 60.000 đồng/kg). Các nguyên liệu này đều được nhập khẩu về trước dịch nên trong thời gian tới giá nhập khẩu tăng thì giá mua chắc chắn sẽ cao hơn.
Hiện Công ty còn trong kho khoảng 2 tạ màng lọc kháng khuẩn và đang làm việc với Công ty Ánh Minh cung cấp tiếp 5 tạ để sản xuất khoảng 1 tỷ sản phẩm.
Trong khi đó, trao đổi với Trí Thức Trẻ, một doanh nghiệp tư nhân cho biết công ty anh sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 15-20 triệu chiếc khẩu trang để góp phần bình ổn giá thị trường.
Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, trong đó có khoảng 11 đơn vị sản xuất quy mô lớn với năng lực sản xuất 1.245.000 chiếc/ngày.
Theo Trí thức trẻ