Theo đó, chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị giao dịch hàng hoá khoa học và công nghệ hàng năm tăng bình quân đạt 25%, trên 30% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 15%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 30%. Tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 35% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước. Cùng với đó, chương trình dự kiến hình thành và phát triển 80 tổ chức và 3 mạng lưới trung gian chuyên sâu của thị trường KHCN cho 3 ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Đến năm 2030, chương trình phấn đấu thúc đẩy giá trị giao dịch hàng hóa KHCN hàng năm tăng mạnh, bình quân đạt 30%, trên 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 20%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%. Tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.
Ngoài ra, sẽ có trên 240 tổ chức và 6 mạng lưới trung gian chuyên sâu cho 6 ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Đồng thời, các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trên thị trường được số hóa; hiện đại hóa hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KHCN, kết nối hiệu quả với mạng lưới tổ chức trung gian khu vực và toàn cầu.
Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đã đưa ra 7 nhiệm vụ cùng các giải pháp cụ thể.
Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý hỗ trợ phát triển thị trường KHCN.
Thứ hai là thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường KHCN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Thứ ba là thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KHCN.
Thứ tư là phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KHCN.
Thứ năm là tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KHCN.
Thứ sáu là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường KHCN.
Thứ bảy là phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KHCN.
Về nguồn kinh phí thực hiện, chương trình được bảo đảm từ các nguồn gồm ngân sách nhà nước, vốn và tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cùng các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Việc quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn vốn để triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định này thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan.
Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, đề án, hoàn thiện môi trường pháp lý, tổ chức quản lý và triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Ngoài ra, Bộ cũng chịu trách nhiệm kiểm tra và định kỳ hằng năm, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết Chương trình vào năm 2025 và tổng kết Chương trình vào năm 2030.