|
Đường Lê Văn Lương kéo dài là một dự án BT của Hà Nội |
Theo Văn bản 6844/VPCO - V.I của VPCP, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng ý nội dung kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản 1422/KL-TTCP ngày 6/6/2017 (Kết luận số 1422) về việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường thuộc địa bàn TP. Hà Nội.
Như vậy, Phó Thủ tướng thường trực đã đồng ý cho Thanh tra Chính phủ tiến hành đưa 7 dự án BT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường quy mô lớn của Hà Nội vào tầm ngắm, bao gồm: Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Dự án Đầu tư xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài; Dự án Đầu tư xây dựng đường trục Nam tỉnh Hà Tây; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương; Dự án Đầu tư xây dựng đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An; Dự án Đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đoạn qua địa phận Hà Nội.
Ngoài ra, một loạt "đại gia" đã vào tầm ngắm xử lý của các cơ quan chức năng gồm Gamuda, Nam Cường, Bitexco, Tasco...
Cụ thể, theo bản Kết luận số 1422, Thanh tra Chính phủ khẳng định UBND TP. Hà Nội chưa thực hiện đúng quy định về việc lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT lĩnh vực giao thông và môi trường, trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012, gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà đầu tư (không có đủ số lượng nhà đầu tư tham gia để thực hiện lựa chọn), làm giảm hiệu quả đầu tư.
Kết luận thanh tra cũng nêu thêm, UBND TP. Hà Nội phải chịu trách nhiệm trong việc chưa thực hiện đúng quy định về việc lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư quy định tại Điều 7, Điều 8 Nghị định số 78/2007/NĐ-CP; Điều 9, Điều 10, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP.
Việc không tuân thủ quy định nêu trên, dẫn đến các thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, các dự án, lĩnh vực cần kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi để kêu gọi đa dạng các thành phần kinh tế tham gia, hạn chế số lượng các nhà đầu tư tiềm năng có thể tham gia vào các dự án, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.
Thực tế, đến thời điểm thanh tra, trong 15 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ có 1 dự án được lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu (có sơ tuyển), 14 dự án còn lại, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện thông qua hình thức chỉ định thầu.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; lựa chọn ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định
Các dự án được kiểm tra khi trình xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu đều có chung lý do cơ bản là do tính cấp bách, cấp thiết. Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội không thực hiện đúng quy trình, quy định và không có tài liệu chứng minh, làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách, cấp thiết khi chỉ định nhà đầu tư thực hiện các dự án này.
Hệ lụy của việc chuẩn bị đầu tư chưa kỹ, lựa chọn nhà đầu tư không chuẩn đã khiến hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ so với yêu cầu, một phần do nguyên nhân năng lực về huy động vốn, bố trí vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án của nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo theo tiến độ giải ngân cam kết.
Đặc biệt, trong bản kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã nhiều lần phải dùng các cụm từ “thiếu trách nhiệm”, “thiếu chặt chẽ” đối với UBND TP. Hà Nội và các đơn vị quản lý hợp đồng.
Với những sai sót này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Hà Nội thực hiện việc xử lý trách nhiệm đối với các sở, ban, ngành chức năng, các cơ quan quản lý hợp đồng BT và các tố chức, cá nhân thuộc UBND TP. Hà Nội, đã có khuyết điểm, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra liên quan đến quá trình tham mưu, quản lý, giám sát, thực hiện hợp đồng.