|
Bác sĩ hướng dẫn tình nguyện viên tự kiểm tra sức khoẻ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 COVIVAC (Ảnh - Minh Thuý) |
Đây là thông tin được PGS. TS. BS. Vũ Đình Thiểm – nghiên cứu viên chính, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương – đưa ra trong cuộc trao đổi với PV VietTimes về tình hình sức khoẻ của 6 tình nguyện viên đầu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 COVIVAC do IVAC sản xuất.
Trao đổi với PV VietTimes, PGS. TS. BS. Vũ Đình Thiểm cho biết: “Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 COVIVAC cho 6 tình nguyện viên, tôi cùng các bác sĩ đã theo dõi chặt chẽ tình hình sức khoẻ của 6 người. Đến trưa ngày hôm qua, ngày 16/3, sau khi được các bác sĩ đo lại mạch, huyết áp, kiểm tra vết tiêm, xem xét biểu hiện toàn thân (đau đầu, mệt mỏi, khó chịu,…), 6 tình nguyện viên đã được trở về nhà.”
“Trước đó, sau khi được tiêm vaccine, có người bị đau đầu, nhức mỏi nhưng sau khi ngủ trưa 30 phút thì tình hình sức khoẻ bình thường; có người hơi tức ở vết tiêm vì khi tiêm vaccine là đưa một lượng thuốc lớn vào phần cơ nên biểu hiện tức ở vết tiêm là hoàn toàn bình thường. Ngoài 2 trường hợp này thì sức khoẻ của 4 người còn lại hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu gì bất thường.” – ông Thiểm nói.
|
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tình nguyện viên (Ảnh - Minh Thuý) |
Theo kế hoạch, ngày mai (18/3), các bác sĩ sẽ gọi điện để hỏi thăm tình hình sức khoẻ của 6 tình nguyện viên này. Dự kiến, vào ngày 22/3, 6 tình nguyện viên sẽ trực tiếp tới Trường Đại học Y Hà Nội để các bác sĩ khám lại và lấy mẫu máu xét nghiệm.
Trước đó, vào ngày 15/3, 6 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại khu vực thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 ở Trường Đại học Y Hà Nội.
Với liều tiêm thứ nhất, ngoài 6 tình nguyện viên đầu tiên, 114 người còn lại sẽ lần lượt được tiêm theo các đợt, mỗi đợt cách nhau 8 ngày cho đến ngày 20/4. Theo lịch trình nghiên cứu, mỗi đợt sẽ tổ chức tiêm từ 12-18 người/ngày.
Mũi tiêm thứ hai sẽ được tiêm sau mũi thứ nhất 28 ngày. Sau tiêm 8 ngày bất kỳ mũi nào, người tình nguyện sẽ được mời đến để khám sức khỏe, ghi nhận các biến cố bất lợi xảy ra trong 8 ngày và lấy máu xét nghiệm công thức máu, men gan và chức năng thận.
Trong suốt quá trình nghiên cứu, các tình nguyện viên sẽ được theo dõi sức khỏe qua gọi điện và mời đến thăm khám 7 lần còn lại theo lịch trình nghiên cứu (lần cuối cùng là 365 +28 ngày sau tiêm liều 1) để đánh giá an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine. Dự kiến báo cáo sẽ được hoàn thành giữa kỳ giai đoạn 1 vào tháng 7 năm nay.
Vaccine phòng COVID-19 của IVAC được phát triển từ tháng 5/2020 dựa trên nền tăng công nghệ virus vector Newcastle (NDV) đã được gắn gen mã hoá. Chủng này có đặc tính thích ứng, nhân lên mạnh ở phôi trứng gà, có khả năng sinh miễn dịch cao, chịu nhiệt tốt, ổn định.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu của IVAC đã tiến hành đánh giá hiệu quả của vaccine với biến chủng virus SARS-CoV-2 ở Anh và ở Nam Phi. Kết quả, vaccine phòng COVID-19 COVIVAC đều có hiệu quả với cả 2 biến chủng này. Theo tính toán của IVAC, vaccine phòng COVID-19 COVIVAC sẽ có giá không quá 60.000 đồng.