Sức khoẻ tình nguyện viên sau tiêm vaccine phòng COVID-19 thứ 2 của Việt Nam giờ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sáng nay, ngày 15/3, 6 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 thứ 2 do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất. 
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 COVIVAC cho tình nguyện viên (Ảnh - Minh Thuý)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 COVIVAC cho tình nguyện viên (Ảnh - Minh Thuý)

Trong buổi tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 diễn ra vào sáng nay, 6 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm vaccine COVIVAC do IVAC sản xuất. Đây là vaccine phòng COVID-19 thứ 2 ở Việt Nam chính thức thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người.

Trong 6 người đầu tiên được tiêm thử nghiệm vaccine, PV VietTimes đã tiếp cận được 2 người tiêm trước tiên.

Trao đổi với PV VietTimes, chị A., 25 tuổi, cho biết: “Khi nghe thông tin Trường Đại học Y Hà Nội tuyển tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19, tôi đã đến trường để đăng ký tham gia. Tôi hiểu rằng tiêm vaccine là một hoạt động có ích cho xã hội và cộng đồng. Tôi cũng đã từng tham gia hiến máu nên tôi cho rằng tiêm vaccine cũng là một hoạt động có ý nghĩa như vậy. Tôi đã nắm được kiến thức để tham gia tiêm thử nghiệm vaccine. Sau tiêm vaccine phòng COVID-19 COVIVAC của IVAC, sức khoẻ của tôi vẫn bình thường, được các bác sĩ dặn dò chu đáo, hướng dẫn những việc cần làm sau tiêm”.

Chị A., 25 tuổi (Ảnh - Minh Thuý)

Chị A., 25 tuổi (Ảnh - Minh Thuý)

Cũng như chị A., chị T., 46 tuổi, tâm sự: “Tôi cùng cả gia đình đã đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19. Con gái tôi học đại học nên về nhà đã động viên bố mẹ đăng ký tham gia tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19, vì đây là một hoạt động vì cộng đồng, mang tính nhân văn. Tại Trường Đại học Y Hà Nội, tôi đã được các bác sĩ tư vấn nhiệt tình, chăm sóc chu đáo. Khi đi tiêm vaccine, bản thân tôi cảm thấy khá lo lắng, nhưng chồng và con đã động viên tôi đi tiêm vì vaccine có công nghệ cao, đã được thử nghiệm trên động vật rồi mới thử nghiệm trên người. Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 COVIVAC, tôi cảm thấy hoàn toàn bình thường. Sắp tới, tôi sẽ động viên những người xung quanh tiêm thử nghiệm để có vaccine tiêm cho mọi người dân trong nước.”

Chị T., 46 tuổi, tâm sự: “Tôi cùng cả gia đình đã đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19" (Ảnh - Minh Thuý)

Chị T., 46 tuổi, tâm sự: “Tôi cùng cả gia đình đã đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19" (Ảnh - Minh Thuý)

Trước đó, cả gia đình chị T. đã đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine nhưng chồng và con chị không đáp ứng yêu cầu và chỉ có mình chị T. đủ điều kiện tham gia thử nghiệm vaccine.

Chị T. được tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Chị T. được tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Sau khi tiêm mũi đầu tiên, các tình nguyện viên được lưu lại tại khu vực thử nghiệm lâm sàng trong vòng 24h để các bác sĩ tiếp tục theo dõi, phát hiện, xử trí kịp thời và ghi nhận lại các biến cố bất lợi nếu xảy ra.

Khu vực thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 thứ 2 của Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý)

Khu vực thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 thứ 2 của Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý)

Với liều tiêm thứ nhất, 114 người còn lại sẽ lần lượt được tiêm theo các đợt, mỗi đợt cách nhau 8 ngày cho đến ngày 20/4. Theo lịch trình nghiên cứu, mỗi đợt sẽ tổ chức tiêm từ 12-18 người/ngày.

Mũi tiêm thứ hai sẽ được tiêm sau mũi thứ nhất 28 ngày. Sau tiêm 8 ngày tiêm bất kỳ mũi nào, người tình nguyện sẽ được mời đến để khám sức khỏe, ghi nhận các biến cố bất lợi xảy ra trong 8 ngày và lấy máu xét nghiệm công thức máu, men gan và chức năng thận.

Bác sĩ hướng dẫn tình nguyện viên tự kiểm tra sức khoẻ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Bác sĩ hướng dẫn tình nguyện viên tự kiểm tra sức khoẻ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Trong suốt quá trình nghiên cứu, các tình nguyện viên sẽ được theo dõi sức khỏe qua gọi điện và mời đến thăm khám 7 lần còn lại theo lịch trình nghiên cứu (lần cuối cùng là 365 +28 ngày sau tiêm liều 1) để đánh giá an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine. Dự kiến báo cáo sẽ được hoàn thành giữa kỳ giai đoạn 1 vào tháng 7 năm nay.

Tình nguyện viên sau tiêm vaccine phòng COVID-19 được kiểm tra sức khoẻ (Video - Minh Thuý)

*(Tên của các tình nguyện viên đã được thay đổi)

TS. Dương Hữu Thái – Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) - cho biết: Vaccine phòng COVID-19 của IVAC được phát triển từ tháng 5/2020 dựa trên nền tăng công nghệ virus vector Newcastle (NDV) đã được gắn gen mã hoá. Chủng này có đặc tính thích ứng, nhân lên mạnh ở phôi trứng gà, có khả năng sinh miễn dịch cao, chịu nhiệt tốt, ổn định.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu của IVAC đã tiến hành đánh giá hiệu quả của vaccine với biến chủng virus SARS-CoV-2 ở Anh và ở Nam Phi. Kết quả, vaccine phòng COVID-19 COVIVAC đều có hiệu quả với cả 2 biến chủng này. Theo tính toán của IVAC, vaccine phòng COVID-19 COVIVAC sẽ có giá không quá 60.000 đồng.