6 tháng đầu năm 2023, các vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78%, nạn nhân đủ mọi lứa tuổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nguồn tin từ Cục An toàn Thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết số vụ lừa đảo trực tuyến trong 6 tháng đầu năm đã tăng mạnh. Nạn nhân mà kẻ xấu nhắm đến thuộc đủ lứa tuổi và đa dạng nghề nghiệp.

Các hình thức lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang gia tăng một cách đáng báo động
Các hình thức lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang gia tăng một cách đáng báo động

Hôm nay (23/6), Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến" dưới sự chủ trì, điều phối của Cục An toàn Thông tin.

Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các hình thức lừa đảo trực tuyến xuất hiện trong thời gian qua.

Theo Cục An toàn Thông tin, các hình thức lừa đảo trực tuyến rất đa dạng: từ tuyển cộng tác viên online, tuyển phát thanh viên, combo du lịch giá rẻ, chuyển tiền nhầm, giả mạo điều tra vụ án... khiến nhiều nạn nhân mất tiền, thậm chí có người bị lừa số tiền lên tới cả tỉ đồng.

Cục An toàn Thông tin cho biết có 3 nhóm lừa đảo chính: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và lừa đảo kết hợp. Tổng cộng có 24 hình thức lừa đảo khác nhau đang diễn ra trên không gian mạng, trong đó 15 kiểu lừa đảo nhắm vào người cao tuổi; 3 kiểu nhắm vào trẻ em; 13 kiểu lừa đảo nhắm vào sinh viên/thanh niên; 19 kiểu nhắm vào công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng.

Đã xuất hiện các trường hợp lừa đảo nhắm đến các em nhỏ và phụ huynh học sinh. Đối tượng giả mạo là giáo viên, nhân viên y tế gọi điện cho phụ huynh thông báo con em họ bị cấp cứu, thúc giục phụ huynh chuyển tiền đóng viện phí nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Một số phụ huynh đã "dính bẫy" khi kẻ xấu giả mạo thầy, cô giáo và còn biết rõ tên trường, tên lớp, tên bạn bè của con.

Một hình thức khác là lừa đảo tuyển mẫu nhí. Các đối tượng kết bạn với phụ huynh rồi dẫn dụ họ tham gia thử thách người mẫu nhí trên các group chat trên mạng xã hội. Thử thách đòi hỏi phụ huynh phải mua các sản phẩm hàng hiệu rồi để con em mình chụp ảnh quảng bá sản phẩm. Khi chiếm được tiền, đối tượng sẽ ngắt liên lạc, xóa tài khoản trên mạng xã hội.

Gần đây, ở TPHCM, Quảng Ninh... nhiều đối tượng giả danh là nhân viên điện lực gọi điện yêu cầu nạn nhân đóng tiền nếu không sẽ bị cắt điện, ngưng hợp đồng nếu không thanh toán.

Cục An toàn Thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi qua điện thoại, cảnh giác với các yêu cầu cung cấp mật khẩu, thông tin cá nhân và đặc biệt là các yêu cầu chuyển khoản, thanh toán để tránh bị mất tiền cho kẻ xấu.