Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị là người đứng đầu Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ gần đây, Tướng Raymond Thomas nhấn mạnh với các khán giả Trung Đông rằng, từ “phức tạp” hiện không còn đủ để mô tả môi trường an ninh trong khu vực hiện nay. Do tình hình an ninh trong khu vực ngày càng căng thẳng, chính quyền Barack Obama đang ra sức đẩy mạnh việc sử dụng các đội Đặc nhiệm để bình ổn các điểm nóng khủng bố khác nhau.
“Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội để mở rộng sự hiện diện trên toàn cầu của các lực lượng đặc nhiệm”, Tướng Thomas nhấn mạnh. Tướng Thomas từng là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Các hoạt động đặc biệt chung (Joint Special Operations Command), trực tiếp chỉ đạo lực lượng đặc nhiệm SEALS của Hải quân Mỹ, lực lượng đặc nhiệm Delta của Lục quân cũng như các đơn vị đặc nhiệm hoạt động bí mật khác.
Tướng Raymond Thomas, người đứng đầu Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ.
Nhiều quan chức quân sự giấu tên của Mỹ tiết lộ, sự nổi lên và bành trướng mạnh mẽ và nhanh chóng của IS tại Trung Đông đặc biệt là ở Iraq và Syria đã đặt ra mối đe dọa khủng bố to lớn, khiến Mỹ thậm chí không kịp thời đáp trả và Washington không muốn thấy chuyện này xảy ra thêm một lần nữa.
Đó là lý do tại sao mặc dù chính sách của Mỹ tập trung vào Iraq và Syria, song các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ vẫn được lệnh tiến hành các hoạt động ngăn chặn, tiêu diệt các phần tử khủng bố bao gồm IS và al-Qaeda tại Libya, Somalia và Yemen – nơi chúng đang manh nha hình thành và phát triển.
Dưới đây là một số khu vực các đặc nhiệm Mỹ đang tiến hành các “cuộc chiến nhỏ” nhắm vào các mục tiêu khủng bố:
1. Syria
Hồi tháng 4, chính quyền Obama công bố quyết định tăng cường thêm 250 binh sĩ Mỹ tới Syria để hỗ trợ các lực lượng địa phương trong cuộc chiến chống lại IS. Theo đó tổng số quân nhân Mỹ tác chiến thực địa tại Syria sẽ tăng từ 50 lên khoảng 300 người.
Lần đầu tiên Lầu Năm góc triển khai quân tới Syria là vào tháng 12.2015, sau khi ông Obama đã ký quyết định điều 50 đặc nhiệm Mỹ tới chiến đấu tại đất nước Trung Đông nhằm "thắt chặt vòng vây" chống IS.
Việc Tổng thống Obama quyết định điều thêm quân tới Syria cho thấy sự tăng cường hiện diện bộ binh đáng kể của quân đội Mỹ tại chiến trường Syria. Điều này cho thấy tổng thống Mỹ đã đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong nước về việc phải hành động nhiều hơn để ngăn chặn IS.
2. Iraq
Cũng vào tháng 4, Mỹ quyết định triển khai thêm 217 binh sĩ và vũ khí hiện đại đến Iraq. Đây là lần tăng cường lớn nhất của Mỹ đến Iraq trong 1 năm qua. Với việc bổ sung thêm 217 binh sĩ, sẽ tăng tổng lực lượng Mỹ tại Iraq là 4.087 người, trong đó bao gồm cả lực lượng đặc nhiệm Mỹ, lực lượng an ninh bảo vệ cho các cố vấn và nhóm bảo dưỡng máy bay Apaches.
Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Ảnh: Presstv
Bên cạnh mục tiêu củng cố sức mạnh cho lực lượng an ninh Iraq trong cuộc chiến chống IS, giới quan sát cho rằng, việc Mỹ triển khai thêm quân tới Iraq cũng nhằm lấy lại uy tín cho nước này trong cuộc chiến chống IS nói chung, cũng như gia tăng vai trò của Mỹ tại Iraq nói riêng, trong bối cảnh Nga đang có ảnh hưởng lớn trong khu vực.
Ngày 3.5, một đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ đã thiệt mạng khi tham gia chiến đấu chống lại một cuộc tấn công của các phần tử IS tại miền Bắc Iraq. Theo Reuters, đây là quân nhân Mỹ thứ 3 hy sinh tại Iraq kể từ năm 2014, thời điểm Lầu Năm góc bắt đầu triển khai binh sĩ đến Iraq làm nhiệm vụ cố vấn và huấn luyện các chiến binh người Kurd chống lại IS.
3. Somalia
Khoảng 50 binh sĩ Mỹ đang hoạt động tại các địa điểm không được tiết lộ trên khắp miền nam Somalia để hỗ trợ chính quyền Somalia, Kenya và Uganda trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố Al-Shabaab, al Qaeda.
Ngày 12.5, chiến dịch không kích các phần tử khủng bố Al-Shabaab ở Somalia xảy ra tình huống bất ngờ buộc các binh sĩ Mỹ phải trực tiếp can thiệp và tham gia một cuộc giao tranh không mong đợi. Sự việc xảy ra ở phía tây thủ đô Mogadishu. Chi tiết vụ việc chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, không có binh sĩ Mỹ nào bị thương. Về phía Al-Shabaab, 5 chiến binh của nhóm này đã bị tiêu diệt.
Những năm gần đây, tổ chức khủng bố Al-Shabaab đẩy mạnh tấn công chống lại các lợi ích của phương Tây. Tình hình này khiến Nhà Trắng quan ngại về nguy cơ các phần tử khủng bố đẩy mạnh tuyển quân và bành trướng trong khu vực cũng như việc mạng lưới al-Qaeda ngày càng có sức ảnh hưởng lên nhóm này.
Mỹ đã tiến hành các hoạt động chống khủng bố Al-Shabaab, cả trên mặt đất lẫn trên không bằng máy bay không người lái và máy bay tấn công. Hồi tháng 3, Lầu Năm góc cho biết, họ đã tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn chống lại Al-Shabaab ở Somalia, giết chết khoảng 150 chiến binh tổ chức này.
4. Tây Phi
Mỹ triển khai 300 nhân viên quân sự tới Cameroon. Nhiều quân nhân đang tham gia các chiến dịch sử dụng máy bay không người lái để thu thập và cung cấp thông tin tình báo cho các lực lượng địa phương. Có những chiến dịch máy bay không người lái vượt ra khỏi lãnh thổ Nigeria. Một quan chức quân sự Mỹ tiết lộ, mối quan lớn nhất trong khu vực là tổ chức khủng bố Boko Haram ở Nigeria. Ngoài ra, Mỹ cũng quan ngại IS ngày càng đẩy mạnh tuyển tân binh từ khu vực Tây Phi.
5. Yemen
Lầu Năm Góc gần đây đã điều một số đơn vị nhỏ của quân đội Mỹ tới Yemen để giúp chống lại các nhóm phiến quân liên kết với al-Qaeda tại đây. Quân đội Hoa Kỳ đang hỗ trợ tình báo và tư vấn, theo một số quan chức quân sự Hoa Kỳ.
6. Libya
Các đơn vị quân đội Mỹ đôi khi đổ bộ vào Libya, một số quan chức Mỹ tiết lộ. Một vài tháng trước, Lầu Năm góc buộc phải thừa nhận sự hiện diện của quân nhân Mỹ tại Libya sau khi những bức ảnh chứng minh họ có mặt tại đây bị rò rỉ trên mạng. Chính quyền Mỹ gần đây có kế hoạch mở mặt trận chống IS thứ 3 tại Libya sau khi các chiến binh khủng bố từ Iraq và Syria đồng loạt tháo chạy tới đây.
Theo Dân Việt