Theo Bệnh viên Da liễu Trung ương, điều trị rám má là một thách thức với bác sỹ cũng như bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị đem lại hiệu quả cải thiện rõ rệt.
1. Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời
Tránh ánh nắng mặt trời đóng vai trò quan trọng để ngăn ngừa tình trạng rám má nặng. Chị em nên tránh ánh mặt trời (hạn chế ra nắng vào giờ cao điểm như 10h-16h, đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang, mặc quần áo dài tay khi ở ngoài trời và bôi kem chống nắng phổ rộng (SPF 30 hoặc cao hơn, có mức chống UVA cao), tránh sử dụng giường tắm nắng.
2. Sử dụng kem làm sáng da
Hydroquinone là một loại thuốc có tác dụng ngăn ngừa các tế bào sắc tố trong da sản xuất melanin và thường được sử dụng để điều trị rám má. Hydroquinone có thể gây kích ứng da nên được khuyến cáo chỉ sử dụng trong thời gian ngắn theo chỉ định của bác sỹ để kiểm soát, hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
Retinoid thường được sử dụng để điều trị trứng cá, và một số loại như axit azelaic, axit ascorbic và axit kojic có thể giúp cải thiện sự xuất hiện của rám má nhưng cũng có thể gây kích ứng da.
Steroid có thể cũng hữu ích và thường được pha trộn với các hóa chất trên để giúp ngăn ngừa kích ứng da. Tuy nhiên việc lựa chọn là hết sức cân nhắc, cẩn trọng tác dụng phụ của steroid.
Một số loại kem làm sáng da chứa sự kết hợp của hai hoặc ba thành phần để làm cho chúng hiệu quả hơn. Kem làm sáng da cần được chỉ định và theo dõi bởi bác sỹ da liễu để đạt hiệu quả tối đa, hạn chế các tác dụng phụ có thể xảy ra (giảm sắc tố hoặc tăng sắc tố).
3. Thay da sinh học
Thay da sinh học có thể cải thiện rám bằng cách loại bỏ các tế bào ngoài cùng của da có chứa sắc tố. Thay da sinh học phải được thực hiện bởi nhân viên y tế có kinh nghiệm để tránh làm cho sắc tố tồi tệ hơn, làm sáng da quá nhiều hoặc gây sẹo.
4. Điều trị vùng da tổn thương
Mesotherapy là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, đưa thuốc và tác động vào da bằng hình thức tiêm dưới da (trực tiếp vào lớp trung bì của da) với những đầu kim tiêm siêu nhỏ. Bác sĩ da liễu sẽ điều trị vùng da tổn thương bằng cách cung cấp các axit amin, vitamin, khoáng chất và một số hóa chất tới vùng tổn thương.
5. Laser
Một số loại laser có tác dụng loại bỏ lớp ngoài của da, một số khác lại tác động vào các tế bào sắc tố (melanocytes). Sự thành công của phương pháp laser có thể thay đổi và có thể có những rủi ro. Vì vậy, quy trình này chỉ nên được thực hiện bởi bác sỹ có kinh nghiệm về laser.
Như vậy, để điều trị rám má có hiệu quả, chị em cần phối hợp nhiều phương pháp để đem lại sự cải thiện tối đa cho làn da, đồng thời, cần có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Rám má là bệnh da tăng sắc tố mắc phải. Bệnh biểu hiện là các dát hoặc mảng màu nâu xám, thường xuất hiện vùng mặt mà hay gặp nhất là vùng má 2 bên, ngoài ra còn gặp các vị trí như trán, cằm, mũi, mặt ngoài cánh tay. Nguyên nhân của bệnh hiện vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên có một số yếu tố đóng vai trò trong sự xuất hiện bệnh. Các yếu tố gây rám má gồm: - Tiếp xúc với ánh nắng: tia UV từ ánh nắng mặt trời kích thích các tế bào hắc tố melanocyte sản sinh ra melanin. Khi melanin sản sinh quá nhiều sẽ hình thành rám. Chỉ cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời rất ít cũng có thể làm bệnh nặng trở lại sau khi thuyên giảm. Đây cũng là lý do khiến cho bệnh nặng lên vào mùa hè, và nó cũng là lí do chính giải thích tại sao một số bệnh nhân bị tái phát. - Thay đổi nồng độ hormon: Vì sự thay đổi nồng độ hormon nên rám má hay gặp ở phụ nữ mang thai hơn. Các thuốc tránh thai và nội tiết có thể làm bùng phát bệnh. - Chăm sóc da sai cách: Việc không sử dụng kem chống nắng là nguyên nhân phổ biến gây rám má. Song song đó là thói quen bỏ mặc làn da, không làm sạch và chăm sóc da theo quy trình đầy đủ. - Có nghiên cứu cho thấy rằng stress có thể là yếu tố kích hoạt gây bệnh bằng việc kích thích sản sinh melanin. - Các thuốc điều trị trúng đích trong ung thư, một số loại xà phòng có mùi thơm, chất khử mùi cũng có thể là nguyên nhân gây rám má. - Rám má có thể có yếu tố di truyền. |