TS. Văn Đình Tráng – Phụ trách Khoa Vi sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thúy) |
Tìm cơ hội sống cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng
Để tìm ra cơ hội sống cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, có nguy cơ tử vong cao, Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt đề tài nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phương pháp mới: “Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi”.
Đề tài nghiên cứu do TS.BS. Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - đồng chủ trì với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, bác sĩ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương,…
Trao đổi với PV VietTimes, TS. Văn Đình Tráng – Phụ trách Khoa Vi sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho biết, mục tiêu nghiên cứu chính của đề tài là đánh giá tính an toàn, hiệu quả của việc truyền huyết tương người bệnh đã hồi phục cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể trung bình, nặng và nghiên trọng.
Đối tượng tặng hoặc cho huyết tương là những người đã khỏi bệnh, được xuất viện sau 14 ngày, không có triệu chứng, có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, từ 18-65 tuổi, có trọng lượng trên 50kg với nam và trên 45kg với nữ. Những người muốn hiến huyết tương sẽ được xét nghiệm sàng lọc miễn phí và đánh giá tính an toàn của huyết tương.
Đối tượng được điều trị là người trên 18 tuổi - 75 tuổi đã được chẩn đoán xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm Realtime-PCR.
Hiện, đã có 5 người khỏi COVID-19 tình nguyện hiến huyết tương của mình để điều trị cho những bệnh nhân nặng, đang nguy kịch. Trong số 5 người này đã có 2 người được sàng đủ tiêu chuẩn để hiến đó là 1 bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và 1 người phụ nữ 39 tuổi.
Sử dụng kháng thể thụ động
Theo TS. Tráng, nguyên lý của việc truyền huyết tương là liệu pháp kháng thể thụ động (cung cấp kháng thể cho bệnh nhân mắc bệnh) liên quan đến việc sử dụng kháng thể chống lại 1 tác nhân để phòng ngừa hoặc điều trị 1 bệnh truyền nhiễm do tác nhân đó gây ra. Ví dụ tác nhân gây bệnh do cúm H1N1 gây ra có thể lấy huyết tương của người đã khỏi bệnh truyền cho người đang mắc bệnh để tạo ra kháng thể.
Hội chứng suy hô hấp cấp SARS (2003) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS năm 2012) đã khiến nhiều bệnh nhân tử vong. Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tử vong, các chuyên gia trên thế giới đã sử dụng huyết tương của người bệnh đã hồi phục để chữa trị cho bệnh nhân. Điển hình là nghiên cứu lớn nhất sử dụng huyết tương người bệnh đã hồi phục cho 80 bệnh nhân mắc SARS ở Hồng Kông. Kết quả, các bệnh nhân đã hồi phục, sức khỏe cải thiện rõ rệt. |
Thực tế, việc người đã khỏi COVID-19 hiến huyết tương là vô cùng cần thiết bởi hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng COVID-19.
Một người mắc COVID-19 khỏi bệnh nếu hiến huyết tương có thể giúp ích việc điều trị cho ít nhất 1 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thể trung bình, nặng hoặc nghiêm trọng, trao cho họ cơ hội được chữa khỏi bệnh. Việc hiến tặng là hoàn toàn tự nguyện. Người cho có quyền chấm dứt tham gia hiến tặng bất cứ lúc nào
Dự kiến, đề tài nghiên cứu “Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi” sẽ kéo dài 1 năm từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021.
Đặc biệt, lượng huyết tương thu được đầu tiên sau nghiên cứu sẽ được chuyển vào Đà Nẵng để điều trị cho những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.