5 mẹo đơn giản nhưng 'có võ' để người dùng ngân hàng tự bảo vệ thông tin

Thông tin tài chính, dữ liệu ngân hàng luôn là mục tiêu béo bở của tin tặc. Phải làm gì để tự bảo vệ mình trước khi kẻ xấu tấn công ngân hàng bạn đang sử dụng?

Ảnh minh họa: Internet

Thanh toán điện tử và ngân hàng di động mang lại sự tiện lợi, đơn giản, nhanh chóng và linh hoạt cho khách hàng; giúp chúng ta truy cập tài khoản và thanh toán mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm rủi ro. Nhiều người lo ngại thông tin tài chính của họ có thể bị đánh cắp và thực tế cho thấy đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Nếu đang sử dụng ngân hàng di động, bạn cần bảo vệ điện thoại và dữ liệu khỏi tay tin tặc, kẻ cắp danh tính hay mã độc. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, dưới đây là 5 mẹo giúp bạn an toàn hơn khi giao dịch trên mạng.

1. Phần mềm bảo mật

Cài đặt phần mềm bảo mật di động và luôn cập nhật bản mới. Đừng quên nâng cấp hệ điều hành cùng với ứng dụng ngân hàng khi có sẵn. Bạn dễ bị tấn công hơn nếu đang dùng ứng dụng và phần mềm lỗi thời. Bạn cũng nên sao lưu dữ liệu để có thể khôi phục nếu cần. Ngoài ra, ứng dụng chống trộm cũng cần thiết đề phòng trường hợp bị thất lạc hay bị mất điện thoại. Bạn có thể định vị thiết bị qua GPS, khóa máy từ xa và xóa dữ liệu.

2. Thiết lập PIN và mật khẩu

Bảo vệ điện thoại/máy tính bảng bằng mật khẩu mạnh và thiết lập PIN cho thẻ SIM để nó không thể dùng trong thiết bị khác. Quy trình khác nhau đối với các dòng máy, vì vậy bạn nên liên hệ với nhà sản xuất hoặc chăm sóc khách hàng để xin lời khuyên. Hãy đảm bảo không dùng chung số với mã PIN thẻ ATM. Dùng mật khẩu mạnh khi đăng nhập ngân hàng trực tuyến. Đừng tiết lộ mật khẩu hay mã PIN cho bất kỳ ai. Bạn cũng đừng lưu thông tin đăng nhập, mật khẩu hay số tài khoản trên thiết bị di động. Nếu bán lại máy, hãy xóa mọi thông tin cá nhân trước tiên.

3. Dùng ứng dụng chính hãng

Xác minh ứng dụng ngân hàng là chính hãng trước khi tải xuống. Nếu có nghi ngờ, hãy gọi đến cho ngân hàng để kiểm tra. Sử dụng ứng dụng chính thức của ngân hàng tránh được rủi ro đăng nhập các trang giả mạo. Hãy nhớ đăng xuất sau khi hoàn thành.

4. Cảnh giác lừa đảo

Hãy thận trọng nếu nhận được tin nhắn, email đề nghị tiết lộ mã PIN, mật khẩu, tên người dùng vì đây có thể là lừa đảo. Luôn báo cho ngân hàng khi nhận được bất kỳ email, tin nhắn đáng nghi. Đừng bấm vào các liên kết đáng ngờ trong email và tin nhắn cũng như gửi thông tin tài chính qua các dịch vụ email chưa mã hóa.

5. Tránh Wi-Fi không an toàn

Đừng thực hiện các giao dịch tài chính qua Wi-Fi công cộng hay chưa rõ nguồn gốc. Mạng Wi-Fi miễn phí khiến chúng trở nên mong manh hơn. Bạn không thể biết kẻ nào đứng sau và theo dõi hành tung trên mạng của bạn. Tốt nhất, nên dùng kết nối bảo mật khi tiến hành giao dịch hay liên hệ với ngân hàng. Bạn có thể vượt qua các vấn đề này bằng cách vô hiệu hóa Wi-Fi trên thiết bị, dùng 3G/4G.

Theo ICTNews

https://ictnews.vn/cntt/day-la-5-meo-don-gian-nhung-co-vo-de-nguoi-dung-ngan-hang-tu-bao-ve-thong-tin-192783.ict