|
Tấm ảnh được chụp bằng máy Nikon D90 và ống kính 24-70mm f/2.8. (Ảnh: Suzi Pratt) |
Một buổi hòa nhạc là một trong những đề tài khó nhất với nhiếp ảnh bởi một lý do chính: Môi trường xung quanh luôn có ánh sáng rất yếu và bạn không được phép dùng đèn flash.
Những mẹo dưới đây có thể giúp ích cho bạn trong việc chụp ảnh một buổi hòa nhạc, từ những buổi hòa nhạc ở khu vực rộng lớn cho đến một buổi hòa nhạc nhỏ với ban nhạc địa phương tại một quán bar hay trường học.
1. Chọn một ống kính chụp ảnh sáng yếu
Nhìn chung, thiết bị nhiếp ảnh của bạn không quan trọng lắm, nhưng trừ trường hợp bạn phải chụp ảnh trong môi trường thiếu sáng. Trong trường hợp này, bạn cần có một ống kính lấy nét nhanh với khẩu độ lớn nhất có thể.
Đối với nhiều nhiếp ảnh gia chuyên chụp hòa nhạc, họ thường chọn ống kính 24-70mm f/2.8 và/hoặc ống kính 70-200mm f/2.8. Đây là hai loại ống kính phổ biến nhất được sử dụng để chụp ảnh hòa nhạc và chụp ảnh sự kiện, với khẩu độ đủ lớn và khả năng thay đổi tiêu cự.
Tuy nhiên các loại ống kính zoom như vậy thường có giá khá đắt. Nếu bạn cần tiết kiệm, hãy tìm một số loại ống kính có tiêu cự cố định như 50mm f/1.8 hoặc 85mm f/1.8. Hy sinh khả năng zoom, bạn sẽ có khẩu độ lớn hơn và cũng có thể tiết kiệm được một khoản tiền nào đó.
2. Thiết lập khẩu độ lớn nhất
Khi bạn đã có ống kính với khẩu độ lớn, hãy chuyển sang chế độ ưu tiên khẩu độ (Aperture Priority) hoặc chế độ chỉnh tay (Manual) với khẩu độ lớn nhất, nghĩa là con số sau chữ ‘f/’ là nhỏ nhất có thể. Điều này sẽ giúp cho cảm biến máy ảnh của bạn nhận được nhiều ánh sáng hơn.
Tuy nhiên, khẩu độ lớn đồng nghĩa với độ sâu trường (depth of field) sẽ trở nên nhỏ, điều này có nghĩa là hình ảnh của bạn có thể không sắc nét như khi chụp ở khẩu độ cao hơn. Nếu như môi trường xung quanh có độ sáng mạnh, bạn nên cân nhắc việc khép khẩu độ để có thể lấy nét được nhiều vật thể trong khung cảnh hơn.
3. Chú ý tốc độ màn trập
Nếu bạn chụp ở chế độ ưu tiên khẩu độ, bạn sẽ không cần phải lo lắng về việc thiết lập tốc độ màn trập. Tuy nhiên, bạn cần luôn để ý đến thông số này và hiểu được nó sẽ tác động lên ảnh của bạn như thế nào.
Theo chuẩn thì tốc độ màn trập của bạn nên ở mức thấp nhất là 1/250 giây để đóng khung chuyển động khi chụp ảnh hòa nhạc. Song tốc độ ‘xa xỉ’ này thường chỉ có mặt tại những buổi trình diễn ngoài trời hoặc có ánh sáng mạnh.
Trong điều kiện ánh sáng yếu, tốc độ màn trập của bạn có thể thấp hơn 1/250 giây. Đôi khi bạn có thể xử lý được với tốc độ thấp như 1/60 giây, nhưng thường thì không nên để tốc độ thấp hơn 1/100 giây.
4. Tăng ISO
Tăng ISO cho đến khi bạn có thể chụp ở khẩu độ và tốc độ mong muốn. Phần lớn trường hợp, điều này có nghĩa là bạn cần đặt ISO ở mức 3.200 hoặc thậm chí đến 6.400.
Giới hạn ISO tùy thuộc vào máy ảnh của bạn, và nếu máy ảnh của bạn có thể chụp ở ISO 10.000 thì không có nghĩa là bạn nên chụp ở mức độ này. Hãy tự trải nghiệm với máy ảnh của bạn để tìm ra mức ISO phù hợp, dựa trên độ nhiễu (noise) của ảnh chẳng hạn.
Mức ISO cao sẽ đồng nghĩa với việc ảnh của bạn sẽ có nhiều hạt nhiễu, song may thay nhiều máy ảnh ngày nay có thể cho ra những bức ảnh tốt kể cả khi đặt mức ISO cao. Bạn cũng có thể dùng những phần mềm giảm độ nhiễu để xử lý hậu kỳ.
Điều cuối cùng, một bức ảnh nhiều hạt nhiễu thì còn tốt hơn là một bức ảnh bị mờ vì tốc độ màn trập chậm. Đừng lưỡng lự khi bạn cần phải tăng ISO.
5. Dùng định dạng RAW
Nếu máy ảnh bạn hỗ trợ, hãy chụp ảnh với định dạng RAW thay cho JPG. Ảnh hòa nhạc luôn bị ảnh hưởng bởi ánh sáng màu khác nhau như đỏ hoặc xanh da trời thay đổi liên tục trong buổi hòa nhạc, điều này khiến việc chỉnh độ cân bằng trắng trên máy ảnh trở nên khó khăn hơn. Định dạng RAW sẽ linh hoạt hơn khi bạn cần chỉnh sửa những tấm ảnh này trong giai đoạn hậu kỳ.
Suzi Pratt là nhiếp ảnh gia sự kiện và ẩm thức tại Seattle. Ảnh của cô xuất hiện nhiều trên trang Eater và Getty Images. Cô cũng là một blogger nổi tiếng với những bài hướng dẫn xây dựng cơ sở kinh doanh nhiếp ảnh.