5 lý do cần áp dụng nông nghiệp 4.0 và 5 ngành sản xuất bằng NN 4.0

Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hạ tầng công nghệ thông tin chưa thật tốt, trình độ nguồn lực chênh lệch, chúng ta cần có tư duy tiếp cận nền nông nghiệp 4.0 từng bước, từng ngành hàng, hài hòa với cả công nghệ của giai đoạn Nông nghiệp 3.0 (tự động hóa), thậm chí cả công nghệ của nền nông nghiệp 2.0 (cơ giới hóa). Đó là nền sản xuất thông minh, nông nghiệp chính xác, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chăn nuôi bò sữa là ngành hàng dễ ứng dụng nông nghiệp 4.0. Ảnh: Chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Hà Nam. Ảnh: H.N.G

Làm cụ thể chứ không thể hô hào

Tương tự như định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp 4.0 cần xác định rõ các vấn đề sau đây:

- Xác định sản phẩm, với tiêu chí sản phẩm đó có quy mô sản xuất hàng hóa; có thị trường hiện tại cũng như tiềm năng.

- Sản phẩm có đủ điều kiện phát triển như đất đai, phù hợp về khí hậu thời tiết.

- Sản phẩm có công nghệ ở mức độ sản xuất, không phải chỉ trong phòng thí nghiệm.

- Quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định là có doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư sản xuất sản phẩm được lựa chọn. Chúng ta thất bại tại nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chính là chưa quán triệt đúng và đủ vai trò của doanh nghiệp. Tất nhiên, doanh nghiệp nông nghiệp cần nhiều đất, hỗ trợ họ tích tụ đất đai, song phải với điều kiện nông dân không mất đất (góp vốn bằng quyền sử dụng đất).

Khác với các nước phát triển, họ không có khái niệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bởi toàn bộ nền sản xuất nông nghiệp của họ là sản xuất công nghệ cao. Trong nông nghiệp 4.0 cũng vậy, với các nước đang phát triển, không thể đòi hỏi toàn bộ diện tích được sản xuất theo công nghệ 4.0.

Với cách tiếp cận  như vậy, về sản xuất, chúng tôi cho rằng cần đặt ra từng nội dung cụ thể với đối tượng và công nghệ cụ thể chứ không thể hô hào như đã từng nói nhiều về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay nông nghiệp hữu cơ mấy năm gần đây.

Nông nghiệp 4.0 là xu thế của quốc tế, là lựa chọn của nhiều quốc gia, song chúng ta với đa dạng sản phẩm, hạ tầng vật chất cũng như công nghệ thông tin kém phát triển, trình độ lao động phân hóa cao thì việc tỉnh táo lựa chọn đúng quy mô, ngành hàng đáp  ứng yêu cầu về công nghệ, thị trường và hiệu quả là rất quan trọng.  

Tại sao cần phát triển nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam?

Có nhiều lý do về sự cần thiết phải phát triển nông nghiệp 4.0, đó là:

- Nông nghiệp Việt Nam chủ yếu phát triển theo số lượng, dựa vào tài nguyên và lao động, chi phí vật tư quá cao (11 triệu tấn phân bón, 600-700 triệu USD thuốc BVTV), sử dụng quá nhiều nước, lao động nên hiệu quả thấp.

- Tài nguyên hạn chế, bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người chỉ bằng 8,7% so trung bình của thế giới.

- Lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ quá cao và năng suất thấp. Hiện tại ở Việt Nam, 1 người làm nông nghiệp chỉ nuôi được 2-2,5 người thì ở các nước phát triển một lao động nông nghiệp nuôi được 100-150 người. Do chất lượng lao động nông nghiệp thấp, lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn chỉ đạt 11,2%, nên năng suất lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1-1,5% so với các nước phát triển.

- Sản xuất chia cắt, không theo chuỗi do vậy không kiểm soát được chất lượng cũng như không truy xuất được nguồn gốc

- Cơ sở hạ tầng: Giao thông tại các vùng sản xuất tập trung kém (ĐBSCL, Tây Nguyên); hệ thống thủy lợi thiết kế chủ yếu cho tưới lúa mà chưa thể hỗ trợ cho sản xuất các ngành hàng khác. Thương mại điện tử rất kém phát triển.

Xuất phát từ các tồn tại nêu trên, rất cần phát triển một nền nông nghiệp dựa vào khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, việc đánh giá đúng tiềm năng phát triển là điều kiện tiên quyết, trong đó phải đáp ứng tiêu chí: Hiệu quả là trên hết (có tính dến sự đáp ứng về nguồn lực và thị trường).

Tuy vậy, nông nghiệp 4.0 cũng sẽ có mặt trái liên quan đến việc làm, thất nghiệp của bộ phận lớn dân số vừa do tự động hóa, người máy lên ngôi, vừa do hàng triệu người sẽ không thể bắt kịp công nghệ mới. Chúng ta cũng không thể triển khai nông nghiệp 4.0 trên toàn phạm vi lãnh thổ. Với 9,32 triệu hộ làm nông, lâm nghiệp và thủy sản , canh tác trên 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ thì việc chọn lựa đối tượng và quy mô là đặc biệt quan trọng.

Các ngành có tiềm năng tiếp cận nông nghiệp 4.0

- Chăn nuôi bò sữa, lợn, gà; nuôi tôm, cá da trơn quy mô công nghiệp. Các ngành hàng này đòi hỏi quy mô diện tích không lớn, đang có những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu, nên dễ dàng ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0 như tự động hóa, sử dụng rô bốt… Trong thủy sản có thể ứng dụng hệ thống canh tác kết hợp thủy sản và rau/hoa (Aquaponic).

- Sản xuất hoa và quả là những ngành hàng có công nghệ cho tự động hóa khâu sản xuất cây giống (gồm cả bầu ươm), cơ giới hóa làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch; phân bón và tưới nước kết hợp (fertigaton); chế phẩm giúp sản xuất trái vụ; công nghệ bảo quản tiên tiến (khí hậu điều khiển, sấy lạnh…). Với hoa cần thêm công nghệ giữ hoa tươi lâu. Tất nhiên cũng phải lựa chọn những cây ăn quả với sản xuất quy mô tập trung, có công nghệ và thị trường như thanh long, cam, dứa.

- Sản xuất nấm ăn, nấm/cây dược dược liệu: Đây là các ngành hàng có thể sản xuất quy mô công nghiệp với giá trị gia tăng cao trong các hệ thống sản xuất được điều kiển cả về khí hậu và kỹ thuật canh tác, chiếm diện tích quy mô không lớn. Ưu tiên công nghệ chiết tách các hoạt chất mang dược tính cao như nano cucumin hoặc tinh dầu gấc, nhân sâm… tiến tới tìm kiếm hoạt chất có chức năng chữa bệnh và làm đẹp.

- Trong sản xuất lúa gạo, có thể áp dụng các công nghệ đã được kiểm chứng ở nước ngoài như ứng dụng viễn thám trong quản lý sản xuất và sâu bệnh, công cụ quản lý cây trồng trên điện thoại thông minh.

- Sản xuất cà phê, hồ tiêu: Ưu tiên cho tự động hóa trong sản xuất cây giống (gồm cả bầu ươm), cơ giới hóa làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch; phân bón và tưới nước kết hợp có điều khiển (fertigaton); sử dụng chế phẩm giữ ẩm, chế phẩm quản lý bệnh phát sinh từ đất, chế phẩm giúp quả chín đồng loạt; công nghệ chế biến sâu.

Để hỗ trợ các ngành hàng, rất cần sự phát triển đồng bộ của thương mại điện tử, thương mại không kho bãi (outlet) để giảm chi phí sản xuất… Về chính sách, Nhà nước cần có một chiến lược dài hạn, tính trên từng chu kỳ sản xuất, chấp nhận các rủi ro nhất thời, cục bộ, chứ không phải một nền nông nghiệp giải cứu, đau đâu chữa đó. Phải có được bức tranh nông nghiệp Việt Nam 2030, 2050 và 2100 sẽ là một nền nông nghiệp có cơ cấu như thế nào, sản phẩm nào là chủ lực để có quy hoạch và đầu tư mục tiêu rõ ràng. 

Nguyễn Văn Bộ - Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Theo Dân Việt 
http://danviet.vn/nha-nong/5-ly-do-can-ap-dung-nong-nghiep-40-va-5-nganh-san-xuat-bang-nn-40-812216.html