|
Ảnh minh họa |
Nói về Internet, có lẽ nó cũng không lớn hơn Google là mấy. Tại Mỹ, Google chiếm 70-75% thị phần công cụ tìm kiếm. Ở những nơi như Anh, Thụy Sỹ, Nam Mỹ, con số đó lên đến hơn 90%.
Google đã chinh phục thế giới tìm kiếm hoàn toàn, đến mức Google trở thành một thương hiệu đồng nghĩa với tìm kiếm Internet. Thực tế, có bao nhiêu công ty mà tên gọi của họ trở thành một động từ như Google?
Thành công chắc chắn khiến Google trở thành tâm điểm chú ý, và thành công của Google cũng không ngoại lệ. Thậm chí, còn có cả những tờ báo và các blog công nghệ chuyên dõi theo từng cử động của Google. Google sẽ mua Twitter? Google sẽ ra mạng di động riêng? Chính những điều này khiến các câu chuyện hiểu nhầm về Google không hề ít. Sau đây là 5 huyền thoại ngớ ngẩn nhất từng tồn tại về Google.
Google chẳng kiếm được đồng tiền nào
Google cũng cấp một loạt dịch vụ online, như công cụ tìm kiếm Google, Gmail, Google Maps, Google Earth, Google News, Google Talk, Google Docs và Google Calendar…. Ngoài ra còn có các website do Google sở hữu nữa, như YouTube, Picasa và Blogger. Tất cả những dịch vụ này hoàn toàn miễn phí.
Vậy Google kiếm tiền bằng cách nào? Kể từ khi ra đời, một lời đồn chắc nịch đã khẳng định công ty không có mô hình kinh doanh nào và vì thế chẳng kiếm được đồng tiền nào. Đây quả thực là một hiểu nhầm vô cùng nghiêm trọng.
Đến thời điểm này thì không có gì phải bàn cãi về việc Google có kiếm được tiền hay không, bởi vì, thực tế cho thấy, mặc dù cung cấp miễn phí hầu hết các dịch vụ, song Google không chỉ kiếm được tiền mà còn kiếm rất nhiều tiền. Nhiều tính toán cho thấy 97% doanh thu của Google đến từ quảng cáo. Google đã phát triển hai mô hình quảng cáo mang lại lợi nhuận cao nhất, đó là Google AdWords và Google AdSense.
AdWords là những quảng cáo xuất hiện phía trên các kết quả tìm kiếm trên Google và bên cạnh các kết quả tìm kiếm chính. Chúng được gắn nhãn hiệu là “Sponsored Links”. Các nhà quảng cáo có thể dùng AdWords để viết những quảng cáo ngắn gọn và gắn chúng với các từ khóa. Sau đó Google sẽ dùng các thuật toán phức tạp để tìm ra các quảng cáo liên quan nhất cho các tìm kiếm trên Google.
Các nhà quảng cáo không trả tiền cho Google mỗi khi quảng cáo của họ xuất hiện, mà họ chỉ trả tiền khi có người click vào quảng cáo đó. Nhờ đó mà Google thu được rất nhiều tiền.
AdSense cũng hoạt động tương tự, nhưng các quảng cáo xuất hiện trên các website không phải của Google. Chẳng hạn, nếu bạn chạy một website và muốn kiếm một ít doanh thu quảng cáo, bạn có thể đăng ký với AdSense. Google sẽ dụng thuật toán của họ để hiển thị các quảng cáo thích hợp vào trang. Mỗi lần có người click vào quảng cáo, nhà quảng cáo sẽ trả cho Google một số tiền, tùy thuộc vào sự phổ biến của một từ khóa cụ thể. Sau đó Google sẽ chia lại cho bạn – người chủ website, một số tiền nhỏ trong mức phí đó.
Theo số liệu mới nhất, tổng doanh thu trong Quý 1/2015 của Google là 17,3 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước với lợi nhuận đạt 4,45 tỷ USD tăng 26% so với Quý 1/2014.
Google khiến bạn ngu đi
Thủ đô của Uruguay là gì? Nữ du hành vũ trụ đầu tiên của NASA là ai? Tất cả những câu hỏi này sẽ rất dễ dàng, chỉ cần … Google.
Tin hay không song thực sự đã có thời thế giới mong đợi bạn phải nhớ hết những thông tin đó, và những kiến thức rất dễ quên mà bạn từng được dạy ngày đi học. Nhưng giờ đây, thay vì phải nhớ, chúng ta có Google.
Điều này làm nảy sinh một vấn đề: Google có thực sự khiến chúng ta ngu đi, hay đơn giản là chúng ta đã thay đổi khái niệm “thông minh”?
Từng có những ý kiến đổ lỗi cho công nghệ khiến trí nhớ con người ngày càng kém, thậm chí khiến con người ngày càng dễ đãng trí. Internet là một tội đồ, và Google cũng không tránh khỏi lời kết tội này. Tuy nhiên, lại có những người bảo vệ internet, bảo vệ Google và cho rằng, Google giúp chúng ta thông minh hơn khi cung cấp cho chúng ta tất cả các kiến thức trên thế giới. Họ cho rằng Google là một giải pháp thông minh thay thế cho hệ thống thư viện lỗi thời và “mù” công nghệ. Với Google, chúng ta có thể thu thập thông tin cập nhật đến từng phút từ vô số nguồn tin.
Google biết tất cả mọi thứ về bạn
|
Google biết rõ bạn sống ở đâu, bạn thích xem gì trên YouTube. Tất cả là sự thật. Google lưu hết những câu lệnh tìm kiếm gắn với địa chỉ IP của bạn trong 9 tháng. Hãng sử dụng phần mềm để quét các email và lấy từ khóa. Với một dịch vụ ĐTDĐ mới có tên là Latitude, các bạn bè của bạn (và Google) luôn biết bạn ở đâu. Thậm chí, YouTube có vẻ cũng luôn đoán được những video mà bạn thực sự muốn xem.
Theo các đại diện của Google, không có gì cá nhân trong những dữ liệu mà Google lưu và phân tích. Chẳng hạn, những câu hỏi tìm kiếm của bạn không phải là những câu hỏi tìm kiếm thực sự của bạn, mà là những tìm kiếm được thực hiện từ địa chỉ IP của máy tính bạn. Một địa chỉ IP chỉ mang lại cho Google một địa điểm địa lý mơ hồ, không phải một cái tên.
Không một nhân viên Google nào được phép tạo ra các kế nối giữa các địa chỉ IP và các cá nhân. Thực tế, Google từng từ chối yêu cầu cung cấp lịch sử tìm kiếm cho chính phủ Mỹ.
Điều đáng ngại duy nhất mà Google làm với lượng lớn thông tin đó là sử dụng lịch sử tìm kiếm của bạn và các từ khóa email để phục vụ tốt hơn các quảng cáo online. Dù sao thì, theo Google, họ có một nguyên tắc kinh doanh là: “Bạn có thể kiếm tiền mà không phải làm điều xấu xa”.
Google Earth đang theo dõi bạn
Điều bí mật ở đây là chiếc camera “gián điệp” hùng mạnh luôn theo dõi theo thời gian thực. Sự thật là Google thu thập và tổng hợp các hình ảnh từ những công ty xử lý hình ảnh vệ tinh như DigitalGlobe và Tele Atlas, cũng như từ các cơ quan chính phủ và lực lượng quân đội.
Và đúng là, bạn có thể bị chiếc camera của Google Earth bắt gặp, nhưng điều đó hầu như rất khó xảy ra, và phải nói là cần có “hàng tấn may mắn” thì nó mới xảy ra.
Street View trên Google Maps cũng từng bị chỉ trích ảnh hưởng đến sự riêng tư của mọi người. Tuy nhiên, lại một lần nữa chúng ta cần lưu ý là các hình ảnh chỉ được cập nhật mấy năm một lần. Ngoài ra, Google đã có thuật toán làm mờ khuôn mặt nhằm bảo vệ tính ẩn danh cho những người vô tình lọt vào camera.
Google muốn sở hữu cả Internet
Khi Google mua một cái gì đó – như là YouTube – điều đó luôn khiến cả thế giới phải quan tâm. Đó là lý do tại sao việc Google âm thầm mua hàng dặm hàng dặm sợi cáp quang tối (dark fiber) lại khiến mọi người đoán già đoán non đủ thứ. Dark fiber là loại cáp sợi quang tốc độ cao. Nhiều người nói Google sở hữu nhiều cáp này hơn bất kỳ tổ chức nào trên thế giới.
Vì sao một công ty như Google lại sở hữu những cáp này? Câu trả lời đơn giản là: Google thực sự có thể thâu tóm cả internet.
Thậm chí, hồi năm 2007, có ý kiến còn lo ngại “chúng ta sẽ không biết là chúng ta đang truy cập intenet hay đang truy cập Google nữa”. Hay “Google sẽ trở thành một công ty điện thoại, công ty cáp…”.
Nhưng các đại diện Google có câu trả lời nhẹ nhàng hơn, đơn giản hơn nhiều. Họ chỉ muốn sử dụng cáp đó để liên kết các trung tâm dữ liệu đặt trên khắp toàn cầu.
Theo Ictnews