|
Ảnh minh hoạ. |
Bạn cần phải tỉnh táo khi lựa chọn chiếc smartphone của mình. Hiện nay giá smartphone đang ngày một cao hơn, và để đảm bảo tính kinh tế, bạn nên chọn một chiếc smartphone có thể sử dụng tốt trong ít nhất 1-2 năm trước khi nâng cấp.
Tất nhiên, chúng tôi không thể chọn giúp bạn, bởi mỗi người đều có sở thích và nhu cầu khác nhau. Trong bài viết này, AndroidAuthority đã nêu ra một số điều mà bạn nên tuyệt đối tránh khi mua smartphone mới, qua đó có thể sẽ giúp bạn thu hẹp phạm vi tìm kiếm của mình.
1. Đừng tiêu quá nhiều tiền
Tiêu quá số tiền mà bạn có thể chi trả là một điều tuyệt đối nên tránh. Trước khi nghĩ đến chuyện chọn điện thoại, bạn cần đưa ra một mức ngân sách có thể chấp nhận được.
Việc này không phải đơn giản, nhưng nếu thực hiện tốt sẽ mang lại một lợi thế rất lớn cho bạn đó là giúp thu hẹp phạm vi lựa chọn lại. Ví dụ, nếu bạn chỉ có thể chấp nhận chi trả tối đa 300 USD thì hiển nhiên những chiếc điện thoại đắt hơn sẽ bị loại khỏi danh sách.
Những chiếc smartphone mới ngày nay đều rất tuyệt vời. Ai trong chúng ta cũng muốn sở hữu chiếc điện thoại đắt tiền với những tính năng hot nhất. Nhưng có nhiều thứ quan trọng hơn trong cuộc sống, và bạn sẽ không muốn phải "oằn lưng" ra kiếm tiền chi trả các hoá đơn khác chỉ vì lỡ "vung tay quá trán" cho một chiếc điện thoại đâu.
2. Đừng bị ảnh hưởng bởi các thương hiệu
Một sai lầm lớn khi lựa chọn smartphone là bị mờ mắt bởi các thương hiệu. Có nghĩa là, bạn chỉ chăm chú vào các thương hiệu nổi tiếng và không quan tâm đến các thương hiệu nhỏ hơn.
Các công ty như OnePlus (Trung Quốc) cũng có những mẫu smartphone tốt như của các nhà sản xuất lớn khác, với giá phải chăng hơn rất nhiều. Ví dụ, chiếc OnePlus 5T mới được giới thiệu gần đây rẻ hơn Samsung Galaxy S8 đến 225 USD (khoảng 5,1 triệu đồng) nhưng lại có hiệu năng tương đương. Thậm chí OnePlus 5T còn mạnh hơn ở một số điểm, như nhiều RAM hơn, hỗ trợ SIM kép và có camera kép ở mặt sau.
Do đó, hãy nghĩ thoáng ra khi chọn mua một chiếc smartphone. Đừng nghĩ rằng các nhà sản xuất lớn luôn cho ra các sản phẩm với chất lượng hơn hẳn so với các nhà sản xuất nhỏ hơn. Trong hầu hết các trường hợp, suy nghĩ này chưa chính xác.
Ở đây chúng tôi không phải khuyên bạn đừng nên mua smartphone từ các thương hiệu như Samsung, LG, Apple… mà bạn cần nhận thức được rằng có thể bạn đang trả tiền ra để mua thương hiệu. Nếu bạn thích một chiếc smartphone nào đó của Honor, Xiaomi, Oppo, OnePlus… chẳng có lý do nào mà bạn không nên mua nó cả.
3. Không xác định được những ưu tiên cần thiết
Bạn cần có ý tưởng rõ ràng về cấu hình và tính năng mà bạn muốn có trên chiếc smartphone sắp tới của mình. Nếu không, việc chọn mua một chiếc smartphone vừa ý là rất khó.
Hãy viết lên giấy một loạt các tính năng mà bạn nghĩ là quan trọng nhất đối với mình, ví dụ: camera tốt, pin trâu, sạc không dây, hỗ trợ thẻ nhớ, thiết kế không viền… Bản danh sách này sẽ giúp bạn tiếp tục thu hẹp phạm vi lựa chọn, và bạn sẽ có thể loại bỏ thêm một số thiết bị không đáp ứng được yêu cầu rồi.
Danh sách tính năng này còn giúp bạn dễ dàng hơn trong việc lựa chọn các thiết bị tương tự nhau. Ví dụ: bạn đang phân vân giữa LG G6 và Samsung Galaxy S8. Nếu ưu tiên của bạn là pin càng trâu càng tốt, và phải có camera tốt, thì G6 rõ ràng là lựa chọn hợp lý hơn bởi nó có viên pin lớn hơn một chút so với S8 (3300 mAh so với 3000 mAh), và có camera kép cho phép chụp những tấm ảnh có bokeh ảo diệu. Ngược lại, nếu thứ bạn cần là hiệu năng, bạn nên chọn S8 vì nó được trang bị chipset nhanh hơn (Snapdragon 835 so với 821).
Cần lưu ý rằng đôi khi bạn sẽ phải chấp nhận thoả hiệp dựa trên ngân sách đã đặt ra ở mục 1, do đó luôn liệt kê các tính năng theo thứ tự độ quan trọng giảm dần, tức là ưu tiên những thứ quan trọng hơn.
4. Đừng đánh giá thấp những mẫu smartphone cũ
Đây là một sai lầm mà nhiều người mắc phải. Một chiếc điện thoại đã 1 năm tuổi vẫn có thể mang lại mọi tính năng mà bạn đang tìm kiếm với mức giá khá hợp lý.
Những smartphone mới nhất không phải luôn tốt hơn hẳn người đàn anh đi trước của chúng. Trong một số trường hợp, đời sau chỉ mạnh hơn đời trước không đáng kể về mặt hiệu năng, mà chủ yếu là thay đổi về mặt thiết kế (mà đôi lúc thiết kế mới không hẳn đã tốt hơn thiết kế cũ). Do đó, nếu không ngại bị chê bai vì dùng smartphone "hết đát" (dù 1 hoặc 2 năm tuổi cũng vẫn còn mới chán), thì những chiếc smartphone cũ sẽ là một lựa chọn hợp lý giúp bạn tiết kiệm được kha khá tiền.
Ví dụ, thay vì mua Galaxy S8, bạn có thể chọn Galaxy S7 Edge, với hiệu năng vẫn rất tốt, màn hình cong hợp thời, chống nước và chống bụi tốt. Quan trọng hơn là bạn chỉ cần tiêu 500 USD thay vì 725 USD nếu mua S8.
Tất nhiên, giá rẻ hơn sẽ phải chấp nhận thiếu một số tính năng thời thượng. Nếu chọn S7 Edge, bạn không có được thiết kế không viền, tỉ lệ màn hình 18:9, camera selfie ngon lành hơn… Bạn sẽ cần xem lại danh sách tính năng mà bạn ưu tiên đã liệt kê ở mục 3 nêu trên, nếu những điểm độc đáo của S8 không nằm trong danh sách, S7 Edge là sự lựa chọn quá hoàn hảo.
Vậy nên khi có ý định mua smartphone, bạn cũng nên tham khảo qua các dòng máy cũ hơn, kiểm tra kỹ cấu hình và tính năng của chúng (thông qua Google) để xem chúng có mọi thứ bạn cần không và có đáng để chọn mua chúng thay vì các dòng máy đời sau hay không.
5. Đừng quên xem các chương trình khuyến mãi
Mỗi cửa hàng sẽ có một mức giá khác nhau, có nghĩa là bạn đừng bao giờ quyết định mua máy ở ngay cửa hàng đầu tiên đến tham khảo.
Khi bạn đã biết chắc mình cần mua smartphone nào, đã đến lúc đi tìm xem cửa hàng nào bán với giá tốt nhất. Bạn có thể xem trên các cửa hàng trực tuyến như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, hay thậm chí các website nước ngoài như Amazon, Best Buy, Newegg, B&H… để so sánh giá. Bỏ ra một vài phút nghiên cứu đôi khi sẽ giúp bạn tiết kiệm đến cả triệu đồng. Hôm nay là Black Friday, bạn có thể tranh thủ tận dụng để tiết kiệm thêm nữa
Trên đây là 5 điều bạn nên lưu ý khi mua điện thoại mới. Có thể còn nhiều điều nên tránh nữa, ví dụ cảm nhận về phần mềm, hay chỉ quan tâm thiết kế mà quên mất chất lượng hoàn thiện. Đồng thời nên tránh mua các smartphone ngay sau khi chúng vừa được bán ra, bởi đó là một sai lầm lớn xét trên quan điểm kinh tế: rất nhiều thiết bị mới hiện nay đã giảm giá chỉ sau vài tháng đầu tung ra thị trường.