5 điều cần biết về dịch vụ Grab Kitchen vừa khai trương tại Việt Nam

VietTimes – Ngày 8/9 vừa qua, Grab đã cho ra mắt dịch vụ mới có tên là Grab Kitchen. Sau Indonesia, Việt Nam là nước thứ hai ở Đông Nam Á được Grab triển khai dịch vụ này.
ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam (đứng giữa) tại lễ ra mắt Grab Kitchen

Grab Kitchen là dịch vụ nằm trong GrabFood – một tiện ích giao đồ ăn mà Grab đã cung cấp từ một năm trở lại đây tại thị trường Việt Nam. Vậy Grab Kichen có gì đặc biệt?

1. Grab Kitchen là một gian bếp trung tâm, bên trong tập trung nhiều nhà hàng được lựa chọn

Grab sẽ đứng ra thuê hoặc mua một mặt bằng rộng rãi, sau đó lựa chọn các nhà hàng đặt bếp chế biến bên trong. Nó cũng tương tự như khi chúng ta đi vào các trung tâm thương mại lớn như Big C, Aeon, Vincom sẽ thấy có một khu đồ ăn nơi tập trung nhiều nhà hàng.

Không phải nhà hàng nào cũng được tham gia vào Grab Kitchen. Các nhà hàng có mặt trong “căn bếp” Grab Kitchen là những nhà hàng có đồ ăn ngon được yêu thích trên Grab Food nhưng lại chưa có chi nhánh tại quận huyện nơi đặt Grab Kitchen. Khi vào “căn bếp trung tâm” này, các nhà hàng sẽ bị Grab kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm và quy trình chế biến món ăn, tuy nhiên họ sẽ không phải trả tiền thuê mặt bằng.  

2. Grab Kitchen là một gian bếp, nhưng không trực tiếp bán hàng cho khách

Mặc dù bên trong Grab Kitchen có rất nhiều bếp chế biến của các nhà hàng, nhưng họ không bán trực tiếp cho khách. Grab Kitchen là nơi mà các tài xế GrabFood đến để thực hiện đơn hàng cho khách.

Khi nhận được đơn hàng, tài xế Grab Food di chuyển đến Grab Kitchen, đọc mã số đơn hàng cho nhân viên rồi ngồi thư giãn uống nước chờ lấy đồ ăn. Điểm đặc biệt là tài xế Grab Food không cần phải ứng trước tiền hàng.

Grab Kitchen giúp cho tài xế Grab Food không phải chờ đợi lâu hay gây mất trật tự ở các nhà hàng mà họ đến đặt đơn.

3. Khách hàng có thể đặt mua nhiều món ăn đồ uống trong một đơn hàng

Grab Kitchen đầu tiên của Việt Nam hiện nay được mở tại nhà số 33, đường số 5, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức. Hiện nơi đây đặt bếp chế biến của 13 nhà hàng. Sự tập trung nhiều nhà hàng trong một địa chỉ Grab Kitchen cho phép khách hàng có thể đặt mua nhiều món đồ ăn thức uống khác nhau trong cùng một đơn hàng, khác hẳn trước đây là phải đặt thành nhiều đơn và tốn nhiều lần tiền ship.

Grab Kitchen hoạt động từ 8 giờ sáng đến 22 giờ tối.

Một nhân viên nhà hàng đang chế biến đồ ăn tại Grab Kitchen

4. Grab Kitchen giúp thời gian giao hàng nhanh hơn

Nếu người dùng đặt nhiều món ăn trong một đơn hàng, thời gian giao hàng cũng sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với khi tài xế Grab Food phải di chuyển đến các địa điểm khác nhau để lấy hàng. Theo thống kê của Grab sau giai đoạn thử nghiệm, thời gian giao hàng trung bình của các đơn hàng Grab Food giảm 20%  

5. Giúp các nhà hàng mở rộng chi nhánh mà không tốn tiền thuê địa điểm

Như đã nói ở trên, các nhà hàng được lựa chọn vào Grab Kitchen ngoài tiêu chí có món ăn ngon, độc đáo, còn có một tiêu chí khác là chưa có chi nhánh ở quận huyện đặt Grab Kitchen. Điều này nhằm giúp tài xế Grab Food rút ngắn quãng đường giao hàng, tiết kiệm chi phí và thời gian.

Chẳng hạn khách hàng ở quận Thủ Đức đặt đơn bánh mỳ Pewpew ở quận Bình Thạnh rất nhiều, tài xế phải di chuyển khá xa để ship hàng. Giờ đây, khi có Grab Kitchen ở Thủ Đức, tài xế Grab Food sẽ di chuyển quãng đường ngắn hơn.

Các nhà hàng trong Kitchen cũng không phải tốn tiền thuê địa điểm, tiền tiếp thị giao hàng. Họ chỉ phải lo khâu chế biến theo quy định của Grab. Số tiền thu được từ các đơn hàng sẽ phải trích lại một phần cho Grab. Tuy nhiên, con số này là bao nhiêu phần trăm đã không được Grab tiết lộ.

Trong thời gian tới, Grab Kitchen sẽ mở rộng thêm nhiều địa điểm tại TP.HCM và đến năm 2020 sẽ có mặt tại Hà Nội và Đà Nẵng. Tương tự, tại Indonesia, sau địa điểm Grab Kitchen đầu tiên được khai trương vào tháng 9/2018, đến nay đã có tới 10 căn bếp trung tâm tại thủ đô Jakarta và Grab dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ mở thêm 50 Grab Kitchen nữa.