Thông tin trên vừa được Kaspersky công bố trong kết quả nghiên cứu “Kết nối hơn bao giờ hết: Làm thế nào để xây dựng Vùng An toàn Kỹ thuật số (Digital Comfort Zones)”.
Kết quả này cho thấy 46% người dùng internet khu vực Đông Nam Á cảm thấy khó để thật sự nghỉ ngơi sau giờ làm, khi làm việc tại nhà hơn so với khi làm việc tại văn phòng. Con số này cao hơn 4% so với kết quả toàn cầu là 42%.
Kaspersky đã thực hiện báo cáo này vào tháng 5/2020 - giai đoạn mà dịch COVID-19 đang rất nóng - với 760 người tham gia phỏng vấn ở khu vực Đông Nam Á. Khảo sát cũng cho thấy những lo lắng của nhân viên khi làm việc từ xa trong thời gian đại dịch và thực hiện giãn cách.
Trong đó, bảo mật trực tuyến là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Điều này được thúc đẩy bởi 2 yếu tố. Thứ nhất, 62% người dùng internet khu vực Đông Nam Á cho rằng đó là do tính chất bảo mật của công việc. Con số này cao hơn 13% so với kết quả toàn cầu (với 49%). Hai là, theo 57% người được hỏi, mức độ an toàn của mạng gia đình thấp hơn ở văn phòng công ty. Con số này cao hơn 9% so với kết quả toàn cầu (với 48%). Những người được hỏi bày tỏ lo lắng rằng việc sử dụng máy tính của họ có thể gây rủi ro cho sự an toàn dữ liệu.
Ông Yeo Siang Tiong - Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á - nhận định 62% người dùng trong khu vực cho biết làm việc tại nhà giúp họ nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của bảo mật mạng và 56% cho rằng chủ doanh nghiệp đã đưa ra hướng dẫn kỹ càng và nghiêm túc để bảo vệ dữ liệu trực tuyến.
Tuy nhiên, cứ 10 người thì có tới 4 người từ chối thực hiện bảo mật mạng và cho rằng mọi thứ đều đang được bảo vệ và an toàn. 42% cho biết họ vẫn chia sẻ kết nối internet với những người trong cùng nhà và không chắc chắn về tính bảo mật cũng như an toàn của thiết bị.
“Triển khai làm việc từ xa đã trở nên quen thuộc. Đối với sức khỏe tinh thần của nhân viên, tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi và chỉ làm việc trong giờ hành chính là điều rất quan trọng. Đối với doanh nghiệp, các sự cố an ninh mạng như cuộc tấn công Wannacry và vụ trộm Ngân hàng Trung ương Bangladesh vẫn cần được nhắc nhớ vì nhân viên có thể bị lợi dụng để tấn công mạng thông qua những thủ thuật phi kỹ thuật tuy cũ nhưng vẫn tỏ ra hiệu quả.
Các doanh nghiệp có thể tham khảo những phương pháp đào tạo áp dụng công nghệ AI được xây dựng từ phản hồi của nhân viên. Từ đó, đưa ra những chương trình đào tạo phù hợp thay vì sử dụng cùng một tài liệu khóa học cho tất cả nhân viên” - ông Yeo đưa ra lời khuyên.