40 công ty Fintech đang hoạt động tại Việt Nam dù thiếu khung pháp lý

Việt Nam hiện có hơn 40 công ty Fintech, trong đó phần lớn tập trung vào mảng thanh toán. Lĩnh vực Fintech tại Việt Nam chưa có khung pháp lý đầy đủ, hệ sinh thái chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, công ty Fintech, quỹ đầu tư, hạ tầng tài chính, viễn thông…
Việt Nam hiện có hơn 40 công ty Fintech
Việt Nam hiện có hơn 40 công ty Fintech

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Fintech Ngân hàng nhà nước lần thứ nhất vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Kim Anh đánh giá: trong thời gian qua, gắn với lĩnh vực ngân hàng, tại Việt Nam chủ yếu là Fintech (từ dùng để nói tới các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ -PV) trong lĩnh vực thanh toán.

Hiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của các công ty Fintech mới chỉ là những quy định đơn giản, do đó thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của các công ty này.

Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech. Tuy nhiên hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể (bao gồm cơ quan quản lý, các định chế tài chính, công ty Fintech và các doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư, hạ tầng tài chính, viễn thông…).

Lĩnh vực Fintech ở Việt Nam còn khá mới mẻ dù các công ty trung gian thanh toán đã xuất hiện vào năm 2008. Hiện nay, thị trường đang có hơn 40 công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó phần lớn tập trung vào mảng thanh toán (chiếm gần 60%).

Có 2/3 các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến; cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS, chuyển tiền…

Ngoài ra, thị trường Fintech Việt Nam còn có một số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác như gọi vốn cộng đồng, dịch vụ cho vay trực tuyến….

40 công ty Fintech đang hoạt động tại Việt Nam dù thiếu khung pháp lý ảnh 1

Hiện 2/3 các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến.

Mô hình hoạt động Fintech trong thời gian qua chủ yếu là mô hình hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng. Hiện nay tất cả các công ty trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động đều phối hợp với ngân hàng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Do lĩnh vực Fintech tại Việt Nam chưa được phát triển như kỳ vọng của thị trường do chưa có khung pháp lý đầy đủ và đồng bộ nên tại hội nghị, Cơ quan thường trực Fintech cho rằng các vấn đề liên quan đến nghiên cứu khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện hệ sinh thái và đề xuất phương thức quản lý lĩnh vực Fintech tại Việt Nam cần đảm bảo nguyên tắc nhất quán, hiệu quả và sự đồng thuận cao trong nội bộ Ngân hàng Nhà nước.

Việc giao đơn vị đầu mối triển khai nghiên cứu các nội dung cụ thể của Fintech cần phải được thực hiện phân công thông qua đầu mối tham mưu thống nhất cho Ban Chỉ đạo là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ cũng như đưa ra các quan điểm trái ngược nhau về định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Cơ quan thường trực cũng là đầu mối tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các thành viên trong Cộng đồng Fintech Việt Nam và phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế đối với các hoạt động hợp tác quốc tế về Fintech trong bối cảnh hoạt động Fintech tại Việt Nam đang hội nhập với khu vực và thế giới.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của lĩnh vực Fintech ở Việt Nam, đặc biệt là xây dựng một hệ sinh thái Fintech dựa trên lợi thế của Việt Nam xét về quy mô dân số, nguồn nhân lực đam mê công nghệ.

Ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo cũng cho thấy vai trò không thể thiếu của Fintech trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong giai đoạn hiện nay, cũng như vai trò xúc tác tạo nền tảng pháp lý thuận lợi của NHNN cho hoạt động của Fintech tại Việt Nam

Tại hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, phân tích một số vấn đề trọng tâm của Fintech để có chính sách quản lý phù hợp trong thời gian sớm nhất, bao gồm công nghệ Blockchain và ứng dụng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; huy động và cho vay hàng ngang; giao diện chương trình ứng dụng; hệ thống định danh khách hàng điện tử phục vụ cho việc nhận biết khách hàng.

Theo ICTNews
http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/40-cong-ty-fintech-dang-hoat-dong-tai-viet-nam-du-thieu-khung-phap-ly-156550.ict