Theo số liệu của hệ thống thông tin về Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 19 tháng 4 năm 2016 cả nước có 697 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 5,08 tỷ USD, tăng 89,9% so với cùng kỳ năm 2015. Đến 19 tháng 4 năm 2016, có 314 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,8 tỷ USD, tăng 72,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Uớc tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 4,65 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 4 tháng năm 2016 có 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,837 tỷ USD, chiếm 41,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 730 triệu USD, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư; Đài Loan đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 664 triệu USD, chiếm 9,6% tổng vốn đầu tư.
Đáng chú ý, Hải Phòng vươn lên dẫn đần về thu hút vốn đầu tư nhờ "siêu dự án " LG Display có tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD , ngoài dự án trên còn có 12 dự án cấp mới và 8 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,666 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Đồng Nai đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 724,7 triệu USD, chiếm 10,5%. Hà Nội đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 663,6 triệu USD chiếm 9,6% tổng vốn đầu tư.
Dù đang là 1 trong những khu vực kinh tế năng động nhất cả nước, song thu hút FDI trong những năm vừa qua của Hà Nội luôn ở mức thấp. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, trong vòng 10 năm trở lại đây Hà Nội thường chỉ ở thứ hạng 4, hoặc 5 trong top 10 tỉnh có thu hút FDI cao nhất cả nước. Các nhà đầu tư cho rằng môi trường đầu tư cũng như năng lực chính sách, hành chính của Hà Nội đều kém cạnh tranh hơn so với nhiều tỉnh thành địa phương khác. Cũng như việc quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch dài hạn đang gặp nhiều vấn đề.
Tuy vậy, với vai trò là Thủ đô, Hà Nội cần phải nghiên cứu sàng lọc kỹ lưỡng nhiều dự án sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển, đồng thời tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng về công nghiệp - dịch vụ cao.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 4 tháng năm 2016: - Dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng.... - Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung, tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD, do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đầu tư với mục tiêu tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao (CPC851) tại Hà Nội. - Dự án Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư có tổng vốn đầu tư 220 triệu USD với mục tiêu sản xuất các loại Giấy Duplex, giấy Kcraf, giấy gia dụng (sản phẩm khác từ giấy và bìa chưa được phân vào đâu) tại Tiền Giang. - Dự án đầu tư mua sắm và vận hành hệ thống kỹ thuật, thiết bị, công nghệ, phần mềm và kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán trên lãnh thổ Việt Nam, tổng vốn đầu tư 210,58 triệu USD do Berjaya corporation Berhad (Malaysia) liên doanh với Công ty TNHH một thành viên xổ số điện toán Việt Nam đầu tư tại Hà Nội với mục tiêu Kinh doanh các sản phẩm xổ số tự chọn số điện toán, bao gồm xổ số tự chọn số theo ma trận, xổ số tự chọn số theo dãy số, xổ số tự chọn số quay số nhanh và xổ số tự chọn số điện toán - Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng phát triển khu công nghiệp và nhà máy sản xuất bán thành phẩm giầy thể thao, tổng vốn đầu tư 171,4 triệu USD do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Cần Thơ./. |