Thông tin trên được hé mở trong báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 của ngành ngân hàng mà CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố.
Theo đó, nhiều ngân hàng được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý 4/2021, điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong bối cảnh nhiều ngân hàng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.
Có 4 ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng trên 20% cho cả năm 2021, bao gồm: TPBank (23,4%), Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MBBank (21%).
Bên cạnh đó, cũng có 4 ngân hàng được nới ‘room’ tín dụng trên 15% là VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%) và OCB (15%). Một số ngân hàng được nới ‘room’ từ 12-13,1% bao gồm: ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%).
BSC cho rằng việc mở cửa cho hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại cùng xu hướng ‘sống chung cùng Covid-19’ sẽ giúp phục hồi nhu cầu tín dụng trong thời gian tới. Dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành cho cả năm 2021 ở mức 13% là có thể đạt được.
Trong năm 2022, BSC dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao (khoảng 13%), được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế và các gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỉ đồng trong 2-3 năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Nhiều ngân hàng gia tăng tỉ trọng trái phiếu doanh nghiệp như MBB, TCB, TPB, VPB, MSB phần nào đã cải thiện được NIM do lãi suất cao hơn so với cho vay trực tiếp. Bên cạnh đó, việc tiếp tục giảm lãi suất huy động giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí vốn, từ đó giúp gia tăng hiệu quả về cho vay.
BSC cho rằng, mặc dù có sự ảnh hưởng giảm chất lượng tài sản, song với chính sách kiểm duyệt tín dụng chặt chẽ và tỉ lệ bao phủ nợ xấu cao, các ngân hàng có thể quản lý chất lượng tài sản tốt và giữ ở mức như hiện nay (tỉ lệ nợ xấu quanh mức 1,6-1,7%).
BSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng năm 2022 sẽ đạt mức 22,2%, cao hơn so với dự báo trước đó (18,4%) nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021./.