Thông tin trên được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng gặp cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương diễn ra sáng nay (26/9).
Theo đó, NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa.
Tính đến ngày 21/9, tín dụng ngân hàng đã tăng 7% so với cùng kỳ, hệ thống thanh toán ngân hàng tư nhân với các địa phương vẫn được thông suốt. NHNN cũng đã ban hành lại chính sách cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo tính toán, các ngân hàng đã giảm khoảng 28.000 tỉ đồng tiền lãi cho vay thông qua các đợt giảm lãi suất, dự kiến số tiền này sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Song song với đó, NHNN sẽ chú trọng trong công tác kiểm soát lạm phát.
Đáng chú ý, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong thời gian tới, NHNN sẽ tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và điều chỉnh lãi suất phừ hợp theo đúng cam kết.
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho cả năm, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Tăng trưởng tín dụng sẽ được xem xét điều chỉnh đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, ưu tiên ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Với cho hoạt động vay ngoại tệ, NHNN cũng có các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung trong việc giảm chi phí vay vốn. Tuy nhiên, Thống đốc NHNN khuyến khích các doanh nghiệp vay bằng VND, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.
Trước đó, báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đề cập nhiều ngân hàng đã được cấp thêm ‘room’ tín dụng trong năm nay, tập trung chủ yếu ở nhóm thương mại cổ phần.
Techcombank và TPBank là hai ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất, lần lượt là 17,1% và 17,4%. Nguyên nhân là do 2 nhà băng này có tỉ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel 2 ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro.
Một số nhà băng cũng được nới ‘room’ tín dụng trên 13%, bao gồm: LPB (13,1%), ACB (13,1%), VIB (14,1%), MBB (15%) và MSB (16%). Các nhà băng khác được nới ‘room’ tín dụng phổ biến trong khoảng 9,5-12,5%./.