4 mẫu tai nghe tuyệt đỉnh cho fan của nhạc trữ tình

Là dòng nhạc được ưa thích nhất tại Việt Nam, nhạc trữ tình cũng có những nhu cầu rất riêng mà không phải chiếc tai nghe cao cấp nào cũng có thể đáp ứng.
Tai nghe Audio Technica ATH-AD2000
Tai nghe Audio Technica ATH-AD2000

Không thể phủ nhận rằng nhạc trữ tình luôn có sức hút đặc biệt tại Việt Nam: nếu đào bới các group âm thanh hoặc các box trên diễn đàn Việt, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều "thớt" có tựa đề "Các thím tư vấn cho em combo hợp nhất để nghe nhạc trữ tình". Những bài hát "sến" của các nghệ sĩ hải ngoại, giọng "mái" của Bằng Kiều, các giai điệu kinh điển cuối những năm 1990 của bộ tứ DIVA Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần cho đến những bản hòa âm đẹp đẽ của Yao Si Ting hay Susan Wong đã luôn là động lực để các audiophile trong nước đi tìm những chiếc tai nghe phù hợp nhất, tối ưu nhất cho một trải nghiệm mang đậm màu sắc thưởng thức.

Tại sao lại nói "phù hợp nhất"? Lý do là bởi nhạc trữ tình có những đặc trưng riêng mà ngay cả những chiếc tai nghe được rất nhiều người ưa thích như Sennheiser HD800, V-MODA Crossfade M100 hay Grado SR325e cũng không thể đáp ứng.

Hãy cùng điểm danh một vài mẫu tai nghe được các fan trữ tình tại Việt Nam ưa chuộng.

1. Audio Technica ATH-AD2000

Nói về Audio Technica là nói về chất mid (trung âm) ngọt ngào huyền thoại có mặt trên dòng Open Air (ATH-AD), dòng vỏ gỗ W và cả dòng closed-back khá nổi gần đây là MSR7. Cũng chính nhờ đặc trưng này mà cái tên Audio Technica luôn xuất hiện đầu tiên trong các "thớt" hỏi về tai nghe phù hợp cho nhạc trữ tình.

Hấp dẫn nhất trong "cả họ" Audio Technica là ATH-AD2000. Với tuổi đời hơn 10 năm và hiện nay đã bị ngừng sản xuất để thay thế bằng dòng ATH-AD2000x, AD2000 vẫn luôn giữ được chỗ đứng đặc biệt trong lòng các fan nhờ chất mid màu nhất, dày nhất, mượt nhất có thể. Có thể khẳng định rằng trải nghiệm nghe file nhạc số bằng ATH-AD2000 và một chiếc amp đèn (phù hợp nhất là Little Dot I+ do AD2000 có trở kháng thấp) sẽ khiến nhiều người nhầm tưởng rằng họ đang được nghe hát từ đầu đĩa than. Chất mid của AD2000 đẹp tới mức người dùng sẽ có cảm giác đang được nghe ca sĩ hát trực tiếp chứ không phải là ngồi dưới sân khấu nghe qua loa hay ngồi nhà nghe qua... mạng.

Đi kèm với chất mid tuyệt vời trên là chất bass gọn nhẹ, không "kích" giả tạo, chất treb tơi thoáng vừa tới và âm trường vừa đủ cho nhạc cụ. Nói cách khác, tổng thể âm thanh của AD2000 là thứ âm thanh analog nhất, "sân khấu" nhất có thể.

Hiển nhiên, vị trí thống lĩnh của ATH-AD2000 cho tới tận ngày hôm nay cũng có một phần là bởi trên thế hệ X, Audio Technica đã kìm hãm bớt dải mid, có lẽ là để thu hút nhiều fan hơn. Đáng tiếc rằng bước đi này đã phản tác dụng khi cả các tín đồ Việt Nam nói riêng lẫn các tín đồ thế giới nói chung (tại head-fi) đều vẫn coi ATH-AD2000 là ông vua của Audio Technica. Hiện tại, giá các bản AD2000 đã qua sử dụng có ngoại hình đẹp tại Việt Nam thường ở mức 8-9 triệu đồng, trong khi các phiên bản cũ nát (về ngoại hình) vẫn được bán với giá khoảng 5 triệu đồng.

2. Sennheiser HD650

Theo quan sát của chúng tôi, tại các thị trường nước ngoài như Singapore và Mỹ cũng như trên các diễn đàn tai nghe thế giới, HD650 ít được ưa chuộng hơn người anh em HD600. Lý do là bởi HD600 có âm thanh dynamic (sôi động) và phù hợp với đánh tạp hơn, cùng lúc vẫn giữ lại đặc trưng về âm trường và mức độ chau chuốt đã trở thành thương hiệu của Sennheiser.

Nhưng tại Việt Nam thì mối quan hệ giữa HD650 và HD600 là hoàn toàn ngược lại: HD600 thường không được mấy ưa chuộng còn HD650 thì lúc nào cũng "hot". Thậm chí, có thể nói không ngoa rằng ở phân khúc trung/cao cấp (6 - 10 triệu đồng) thì HD650 lúc nào cũng chễm chệ đứng top.

Lý do rất đơn giản: HD650 không thể phù hợp hơn với nhạc trữ tình. Trong khi AD2000 mang lại trung âm dày dặn và ngọt ngào thì HD650 mang đến chất âm "mượt mà nhung lụa" trên cả ba dải âm. Đây chính là "tấm màn nhung Sennheiser" được rất nhiều người nhắc tới và cũng là lý do vì sao HD650 không được "Tây" quá ưa thích nhưng lại được rất nhiều "Ta" lựa chọn cho Bằng Kiều, Lệ Quyên hay Yao Si Ting. Thực tế, có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng trải nghiệm trữ tình của HD650 là lý do đầu tiên khiến Sennheiser đạt được vị thế ngày nay tại Việt Nam từ nhiều năm trước khi HD800, Momentum 2 và HD630vb xuất hiện.

Hiện tại, Sennheiser HD650 đang được nhà phân phối SV House (loa.com.vn) bán với giá 8,8 triệu đồng. Mẫu tai nghe Đức cao cấp này cũng thường được khuyến mại tặng kèm các sản phẩm âm thanh cao cấp khác theo mô hình của SV House, trong đó gần đây nhất là đợt khuyến mại bán kèm loa cao cấp Braven BRV-1.

3. AKG Q701

Trong khi 2 mẫu tai nghe chúng tôi đã giới thiệu ở trên có độ "màu" nhất định thì Q701 lại là một chiếc tai nghe tương đối trung tính và cũng có thể coi là phiên bản tùy chỉnh của mẫu AKG K701/K702 đã ra mắt trước đó. Thực tế, phát hành với vai trò là sản phẩm kết hợp của AKG và producer lừng danh Quincy Jones nên Q701 cũng có đầy đủ các điểm mạnh và điểm yếu của các đàn anh đi trước: có âm trường rộng thênh thang, có lượng chi tiết đáng kinh ngạc nhưng cũng rất kén amp và chất âm với nhiều người là thiếu bass (Thực ra, điểm yếu về bass cũng có một phần nguyên nhân là do người dùng không tìm được amp phù hợp).

Nhưng Q701 có một điểm mạnh để trở nên hấp dẫn hơn đối với các fan nhạc nhẹ là dải trung khá mượt mà và ngọt ngào. Dĩ nhiên, đây không phải là trung âm ngọt như AD2000 hay mượt như HD650, song sự kết hợp giữa trung âm giàu nhạc tính này cùng các điểm mạnh về âm trường và chi tiết khiến cho Q701 có thể phục vụ tốt các fan của các nghệ sĩ thích sử dụng nhạc cụ "mộc" hoặc các nhạc cụ thính phòng để làm nền. Với mẫu tai nghe này, các album La Luna của Sarah Brightman hoặc Portrait 17 của Hiền Thục đều sẽ mang lại chất lượng âm thanh tốt hơn hẳn so với HD650.

Một số audiophile cũng sẽ "mách" với bạn rằng Q701 có thể kết hợp rất tốt với amp đèn để gia tăng mức độ nhạc tính và kích thêm một chút bass mềm, chậm cho bài nhạc thêm phần ấm áp.

Nguồn hàng Q701 tại Việt Nam hiện còn khá hiếm và cũng thường bị các shop "hét" lên mức 8-10 triệu đồng, trong khi giá gốc tại Amazon chỉ khoảng 200 USD và cũng có đợt giảm giá xuống còn 100 USD. Tuy vậy, cần phải lưu ý rằng khá nhiều mẫu Q701 gặp hiện tượng lỗi gia công và cũng có thể gây khó chịu vì có gờ trên headband. Nếu vẫn chưa vừa lòng với Q701, bạn cũng có thể tìm tới các mẫu AKG ra mắt sau này như K702 65th Anniversary, K712 hoặc đặc biệt là mẫu K7xx sản xuất chung với Massdrop. Cả 3 mẫu này đều có âm thanh tương đối giống nhau và cũng không có các lỗi thiết kế/sản xuất khó chịu như Q701 hay K701/K702, trong đó K7xx được bán với giá hấp dẫn nhất: 200 USD từ massdrop.com (giá về Việt Nam qua các dịch vụ ship gần 6 triệu đồng).

4. Yuin PK1

Là mẫu earbud duy nhất trong bài viết này, PK1 là sản phẩm mang trong mình rất nhiều điểm đặc biệt. Đầu tiên, dù là earbud nhưng PK1 có trở kháng lên tới 150 ohm và độ nhạy không cao nên PK1 không thể phát trực tiếp từ máy chơi mp3 hay điện thoại, laptop mà luôn đòi hỏi amp. Tiếp đó, so với 3 sản phẩm tên tuổi còn lại thì PK1 đến từ một thương hiệu của Trung Quốc, khá được yêu thích tại Việt Nam nhưng chưa được khẳng định tại nước ngoài. Cuối cùng, PK1 có ngoại hình đặc biệt... xấu và có thể coi là khó phân biệt với những chiếc earbud rẻ tiền chất lượng kém của thập niên 1990.

Tất cả những điểm yếu này không thể ngăn PK1 vươn lên trở thành mẫu earbud được yêu thích nhất tại Việt Nam. Nhắc tới nhạc nhẹ đầu tiên vẫn phải nhắc tới dải mid, và PK1 có trung âm thuộc dạng "nịnh tai" bậc nhất trong số các mẫu earbud nói riêng và các dòng tai nghe cấp thấp nói chung. Bởi vậy, PK1 phục vụ rất tốt cho các dòng nhạc nhẹ nhàng tình cảm, bất kể là vocals nam hay vocals nữ. Hai dải còn lại của PK1 không thực sự đặc sắc nhưng chiếc tai nghe này vẫn có âm trường rộng tới mức đáng ngạc nhiên cho kiểu dáng earbud. Cũng nhờ kiểu dáng earbud nên với nhiều người, PK1 có mức độ thoải mái khi sử dụng khá vượt trội so với tai in-ear hoặc tai fullsize trong mùa hè nóng.

Hiện tại, PK1 đang được bán với giá 3 triệu đồng tại cửa hàng tai nghe Xuân Vũ (tainghe.com.vn).

Trên đây là 4 mẫu tai nghe rất được dân chơi Việt ưa thích cho các dòng nhạc trữ tình. Bạn đọc còn có gợi ý nào khác cho dòng nhạc rất được ưa chuộng này tại Việt Nam hay không? Hãy cùng chia sẻ với VnReview trong phần bình luận nhé.