4 điều cần “suy nghĩ trước khi chia sẻ” trên mạng xã hội

VietTimes -- Những câu chuyện hàng ngày, những cảm xúc bất chợt, những bức ảnh hay video ấn tượng,… đều có thể trở thành nguồn cảm hứng. Nhưng nếu không thận trọng về cách chia sẻ, thì chúng ta có thể gây tổn thương cho người khác hoặc cho chính mình. Đặc biệt, hãy cẩn thận khi chia sẻ những điều về bản thân mình với những người mà thậm chí bạn không biết là ai. 
Chúng ta cần nghĩ kỹ hơn khi có ý định chia sẻ trên mạng xã hội
Chúng ta cần nghĩ kỹ hơn khi có ý định chia sẻ trên mạng xã hội

Ngày nay, với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, chúng ta đang sống trong một xã hội chia sẻ. Đối với giới trẻ, sự chia sẻ trên mạng xã hội  cũng như nhận những phản hồi về chia sẻ đó như một nhu cầu thường xuyên. Và đây là những lý do vì sao bạn cần suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ bất cứ điều gì:

1. Nguy cơ “nổi tiếng” ngoài dự đoán

Trước khi chia sẻ một bức ảnh hoặc clip lên mạng xã hội, hãy nghĩ xem bạn cảm thấy thế nào nếu những người lạ, gia đình bạn hoặc nhà tuyển dụng tương lai sẽ xem được nó.

Chỉ với một nút “Đăng”, hàng nghìn người có thể xem bức hình hoặc bài viết của bạn. Một bức ảnh hoặc một bài viết có thể phá hủy hình ảnh mà bạn xây dựng cho mình. Nếu như bạn có điều gì e ngại khi bức ảnh ấy “nổi tiếng”, hãy cân nhắc xem có nên chia sẻ nó hay không.

2. Đừng chia sẻ khi tâm lý bạn đang không ổn định

Cả giận mất khôn", đừng nên chia sẻ điều gì khi tâm lý bạn đang không ở trạng thái ổn định như khi đang giận dữ, thất vọng hoặc phấn khích cực độ. Vì những khi đó, bạn có thể đang không đủ sáng suốt để xem xét việc chia sẻ đó có thể ảnh hưởng như thế nào.

Trước khi chia sẻ, hãy cân nhắc liệu những điều bạn chia sẻ sẽ được hiểu như thế nào, liệu ai đó có thể sử dụng nội dung này để gây tổn thương cho mình không; Bạn có buồn không nếu họ chia sẻ nội dung đó với người khác không; Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu mình chia sẻ nội dung này là gì,...

Ví dụ, bạn nên cân nhắc, những thông tin nào bạn tiết lộ cho “người lạ” khi liên tục check in các địa điểm mình đi qua trong một thời gian dài? Liệu kẻ xấu có thể dựa vào đó để phác họa nên lịch trình, tính cách, thói quen hoặc làm điều gì có hại đến bạn không?

3. Bạn đang xây dựng thương hiệu cho chính mình

Với người trẻ, mạng xã hội là chia sẻ. Các nền tảng công nghệ được thiết kế để người dùng dễ dàng chia sẻ mọi thứ với bạn bè của mình, trên mọi thiết bị và hoàn cảnh, dù đó là suy nghĩ về một sự kiện trong đời, là bức hình đi du lịch, hoặc clip âm nhạc yêu thích nhất. Tuy nhiên, hãy lưu ý: Mạng xã hội là con người thứ hai của bạn. Một người lạ có thể đánh giá về bạn chỉ bằng việc lướt qua trang cá nhân và những gì bạn chia sẻ trên đó.

Hãy tự đặt ra cho mình những câu hỏi: Đây có phải là điều mà mình muốn mọi người nhìn nhận về mình không; Bức hình hoặc clip này nói gì về bạn, đặc biệt là những người chưa hề biết bạn là ai; Sau này, khi tham gia vào thị trường lao động, những gì bạn thể hiện trên mạng xã hội có phải là điều mà bạn muốn nhà tuyển dụng tương lai hiểu về mình không,...

Nếu câu trả lời là không, hãy cân nhắc dừng chia sẻ. “Bạn” trong tương lai sẽ cảm ơn bạn hiện tại vì điều đó.

Vì thế, hãy đảm bảo bạn chia sẻ đúng nội dung, đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh. Với Facebook, bạn có thể kiểm tra cài đặt riêng tư để xem ai có quyền xem các bài đăng của bạn. Trên mỗi bài đăng, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát từng đối tượng xem được bài viết để đảm bảo bài viết tiếp cận đúng đối tượng bạn muốn chia sẻ.

4. Luôn có cách giải quyết dù mọi chuyện ngoài tầm kiểm soát

Trên Facebook, nếu như có những bài đăng với nội dung lạm dụng hoặc spam khiến bạn không thoải mái, Facebook có công cụ Báo cáo vấn đề xã hội với một số tin nhắn bạn có thể sử dụng và cách nhờ cha mẹ, giáo viên hoặc bạn bè đáng tin cậy giúp bạn xử lý.