4 điểm nghẽn trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong nhiều vấn đề đang tồn tại liên quan xây dựng đô thị thông minh hiện nay, đội ngũ CNTT của địa phương làm công tác tham mưu triển khai ICT gần như chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về vấn đề này.
Sự phát triển của đô thị thông minh ở nhiều địa phương vẫn còn chậm, chưa bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
Sự phát triển của đô thị thông minh ở nhiều địa phương vẫn còn chậm, chưa bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Đinh Hoàng Long - Phó Trưởng phòng Dịch vụ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia – Bộ Thông tin và Truyền thông, đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đã xác định rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức triển khai.

Phần lớn các nhiệm vụ, giải pháp đều có liên quan đến việc áp dụng công nghệ có yếu tố thông minh để phục vụ quản lý và phát triển đô thị. Trong đó, bao gồm việc xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia, cơ sở dữ liệu không gian đô thị, cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển ứng dụng thông minh hỗ trợ ra quyết định trong công tác quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh trong đó bao gồm hạ tầng ICT và phát triển các dịch vụ, tiện ích thông minh.

Là người trực tiếp tham gia góp ý cho Kiến trúc ICT của các địa phương, ông Long cho rằng hiện có 4 vấn đề tồn tại liên quan việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.

Trước tiên, theo phân tích của đại diện phòng Dịch vụ số, hiện nay, khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh đưa ra các thành phần tổng quát chung về ICT cho đô thị thông minh, từng bộ, ngành liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, khung cũng đưa ra những hướng dẫn và yêu cầu về triển khai các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành riêng phục vụ đô thị thông minh. Ví dụ như cơ sở dữ liệu không gian đô thị, cơ sở dữ liệu đô thị, cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật đô thị, kiến trúc giao thông thông minh,...

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các địa phương khi triển khai, quản lý đô thị thông minh thì phải gom lại các nội dung này trong một kiến trúc tổng thể như thế nào để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong tổ chức triển khai.

Thứ hai, ông Long nhắc tới vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu. Ông cho rằng, việc phát triển đô thị thông minh là quản lý và phát triển đô thị dựa trên dữ liệu. Do vậy, dữ liệu phải được chia sẻ, kết nối đầy đủ giữa các ngành, lĩnh vực tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể. Tuy nhiên, phần lớn các địa phương hiện nay đang gặp phải khó khăn liên quan đến kết nối, chia sẻ dữ liệu ở tại địa phương và kết nối, chia sẽ dữ liệu giữa địa phương với các bộ, ngành Trung ương.

Thứ ba, về vấn đề về cung cấp dữ liệu mở và mở dữ liệu. Dữ liệu của các chính quyền đô thị cần phải được mở để tái sử dụng và khai thác hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, qua theo dõi của Cục Chuyển đổi số quốc gia, đây là vấn đề rất lớn còn nhiều hạn chế của các địa phương. Đến nay mới chỉ khoảng 10% cơ quan nhà nước có cung cấp dữ liệu mở và mở dữ liệu.

Và cuối cùng, vấn đề về nguồn nhân lực ICT để tổ chức triển khai: Các địa phương cần phải tổ chức được đội ngũ nhân lực giỏi, có chuyên môn cao để thực sự làm chủ trong việc triển khai ICT cho đô thị thông minh.

Theo đánh giá của Cục Chuyển đổi số quốc gia, đội ngũ CNTT của địa phương làm công tác tham mưu triển khai ICT cho đô thị thông minh gần như chưa được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản về đô thị thông minh. Ngoài ra, các địa phương hiện nay đang rất thiếu các chuyên gia phân tích dữ liệu, mặc dù dữ liệu đã được mở nhưng dữ liệu chỉ có giá trị khi được khai thác, sử dụng. Đây là vấn đề các địa phương cần hết sức quan tâm khi phát triển đô thị thông minh.

Nhấn mạnh phát triển ICT trong đô thị thông minh là vấn đề lớn, phức tạp, lãnh đạo Phòng Dịch vụ số nhận định, khoảng 50 địa phương đã và đang triển khai đô thị thông minh, nhưng mới chỉ có hơn 20 địa phương đã ban hành Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh.

Và theo đánh giá của cá nhân ông Long - người trực tiếp tham gia góp ý cho Kiến trúc ICT của các địa phương thì thấy "chất lượng các bản Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh còn chưa được tốt, mới chỉ khái quát chung chung các thành phần ICT chứ chưa đi vào chi tiết cụ thể” – ông Long nói.

Được biết, Cục Chuyển đổi số quốc gia đang tổng hợp báo cáo của các địa phương và dự kiến trong năm 2023 sẽ nghiên cứu, tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh phiên bản 2.0 trên cơ sở kế thừa từ phiên bản 1.0 và có bổ sung các thành phần mới phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm gắn kết với quá trình chuyển đổi số tại địa phương./.