Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/12/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 36,6 tỉ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 3.188 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 20,1 tỉ USD, lần lượt tăng 56,6% về số dự án và tăng 62,2% về số vốn đăng ký đầu tư so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, có 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng số vốn tăng thêm đạt 7,88 tỉ USD và 3.451 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư FDI với tổng giá trị vốn góp đạt 8,54 tỉ USD.
Trong năm 2023, dòng vốn FDI chảy vào 18 ngành, lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đạt 23,5 tỉ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước.
Kinh doanh bất động sản xếp thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 4,66 tỉ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Tiếp đến là các ngành sản xuất, phân phối điện (2,37 tỉ USD); tài chính – ngân hàng (1,55 tỉ USD); khoa học công nghệ (1,28 tỉ USD).
Về đối tác, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam đạt 6,8 tỉ USD, chiếm 18,5%, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản (6,56 tỉ USD), Hồng Kông (4,68 tỉ USD), Trung Quốc (4,47 tỉ USD), Hàn Quốc (4,4 tỉ USD).
Về địa bàn đầu tư, TP.HCM thu hút được nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đăng ký đạt 5,85 tỉ USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo sau là các tỉnh Hải Phòng (3,26 tỉ USD), Quảng Ninh (3,11 tỉ USD), Bắc Giang (3 tỉ USD), Thái Bình (2,79 tỉ USD).
Tính đến 20/12/2023, cả nước có 39.140 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 468,9 tỉ USD.
Trong số 144 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc dẫn đầu với số vốn đăng ký đạt 85,8 tỉ USD, tiếp theo là Singapore (74,5 tỉ USD), Nhật Bản (73,9 tỉ USD), Đài Loan (39,3 tỉ USD)./.