36 tên lửa Tomahawk Mỹ tập kích Syria “biến mất“: Nga ra tay hay chuyện gì?

VietTimes -- Đã 10 ngày trôi qua kể từ đêm ngày 07.04.2017, hai tàu khu trục Mỹ Ross và Porter phóng 59 tên lửa Tomahawk đánh vào sân bay quân sự Al-Shayrat của Syria. Vụ tấn công không khiến không quân Syria tổn thất quá nặng nề, nhưng lại gợi lên những vấn đề chưa có giải đáp.
Tên lửa Tomahawk phóng tên từ tàu khu trục Mỹ
Tên lửa Tomahawk phóng tên từ tàu khu trục Mỹ

Cuộc tấn công được tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh dựa trên những cáo buộc đầy tranh cãi của cái gọi là lực lượng “đối lập” ở Syria, có mối quan hệ mật thiết với tổ chức Al-Qaeda và những bức ảnh mơ hồ không được điều tra... khiến dư luận thế giới đặt ra rất nhiều câu hỏi, điều gì đã thúc đẩy tổng thống Mỹ đến một quyết định quyết liệt như vậy?.

Nhưng những câu hỏi và nghi vấn lại tập trung chủ yếu về phía điện Kremlin và Bộ quốc phòng Nga, xoay quanh vấn đề: tại sao lực lượng phòng không Nga ở Syria không đánh chặn cuộc tấn công này, hoặc là có đánh chặn nhưng giữ bí mật, đánh chặn như thế nào? Vì sao vẫn có 23 quả tên lửa đánh trúng sân bay. Lực lượng phòng không Nga bất lực, yếu kém? Việc một số lượng tên lửa không rõ ràng đánh trúng sân bay Al-Shayrat có phải là một cái tát đối với lực lượng phòng không và tác chiến điện tử Nga? Đòn tấn công này có phải là một thủ đoạn làm suy giảm vị thế chính trị của Nga trên trường thế giới hay không?

Đặc biệt, tuyên bố của Bộ quốc phòng Nga về hiệu quả tác chiến rất thấp của Tomahawk đã gây lên các cuộc tranh cãi gay gắt, thậm chí hạ nhục lẫn nhau của các chuyên gia về số lượng 35 tên lửa Tomahawk biến mất không dấu vết, hoặc là toàn bộ 59 quả tên lửa đã bay đến mục tiêu?

Tổng quan tình hình cuộc tấn công tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự Al-Shayrat trên địa phận tỉnh Homs

Để làm sáng tỏ phần nào đó vấn đề này, cần phải biết rõ, điều gì đã xảy ra đêm ngày 07.04.2017.

Tại sao tổng thống Donald Trump quyết định tấn công Syria?

Nếu như tổng thống Mỹ là Hillary Clinton, sẽ không có câu hỏi này. Nhưng chính Donald Trump, trong cuộc vận động bầu cử đã cảnh báo Tổng thống Obama về sự vô ích của những giải pháp quân sự cho vấn đề Syria, vì sao ông đột ngột thay đổi quan điểm 180 độ?

Có thể nói, những chính sách đối ngoại mà Washington đang thực hiện ở Syria mà trọng tâm là “Assad must go” (Assad phải ra đi) trong nhiều năm qua, sau khi tổng thống mới được bầu Donald Trump bước vào Nhà Trắng hoàn toàn không thay đổi. Các tổng thống Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục chính sách này cho đến khi nào hoặc là đạt được kết quả cuối cùng, hoặc là sụp đổ hoàn toàn, tương tự như chiến tranh Việt Nam.

Tiến trình hiện thực hóa chính sách này dựa chủ yếu trên các lực lượng Hồi giáo cực đoan mà Mỹ và phương Tây xác định là “đối lập ôn hòa”, chủ lực là tổ chức Quân đội Syria tự do FSA, được Mỹ, phương Tây hậu thuẫn, trực tiếp là Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức Hồi giáo cực đoan Ahrar al-Sham được các nước Ả rập vùng Vịnh trong đó Ả rập Xê út đứng đầu hậu thuẫn, có mối quan hệ trực tiếp với liên minh các nhóm thánh chiến cực đoan Hay’at Tahrir Al-Sham (al-Nusra – al-Qaeda Syria) và gián tiếp với IS.

Tất cả các quốc gia và thế lực nước ngoài ủng hộ các nhóm “đối lập” đều có chung một mục đích tương tự như Mỹ, đó là “Assad must go” đồng thời có ý đồ chia cắt đất nước Syria nhằm phục vụ cho lợi ích địa chính trị của mình, và họ đã gần như đạt được mục đích này, nếu Nga không trực tiếp can thiệp vào chiến trường Syria.

Kể từ 30.09.2015 đến hết tháng 03.2017, mọi toan tính và các kế hoạch chiến lược liên tiếp sụp đổ, chiến dịch giải phóng Aleppo, cuộc tấn công chặn đứng chiến dịch Lá chắn Euphrates của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, chiến dịch giải phóng vùng nông thôn phía đông Aleppo, chiến dịch giải phóng lần thứ hai thành phố cổ Palmyra khiến lực lượng Hồi giáo cực đoan thánh chiến ở Syria đối mặt với sự diệt vong, và các nước có lợi ích trong việc xé nát Syria đối mặt với thất bại. Hệ thống hậu thuẫn cho lực lượng “đối lập” lung lay, cùng với sự ra đi của chính quyền Barack Obama, điều đó buộc Washington phải có biện pháp đối phó.

Trên chính trường Mỹ, chính quyền của Donald Trump trải qua 100 ngày quyền lực đầy sóng gió với vô vàn cáo buộc về hậu trường bầu cử, vai trò của Nga, mối quan hệ của ông Trump với tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến Nhà Trắng đối mặt với rất nhiều nguy cơ khó lường.

Cáo buộc về vụ tấn công hóa học ở thị trấn Khan Sheihoun thuộc tỉnh Idlib xảy ra không thể đúng lúc hơn, trước thềm cuộc viếng thăm chính thức của chủ tịch Trung Quốc. Đòn tấn công bằng tên lửa Tomahawk diễn ra trong chuyến thăm quan trọng của ông Tập Cận Bình. Bằng thủ pháp này, tổng thống Donald Trump muốn cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề khác nhau:

- Khẳng định Nhà Trắng vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm không chỉ ở Syria mà còn ở cả Tây Thái Bình Dương, làm suy giảm sự chống đối quyết liệt từ phía đảng Dân chủ và các nhóm diều hâu Mỹ.

- Trump không có quan điểm “thân thiện” với Nga, không liên quan đến Putin và đủ sức mạnh để đối đầu quyết liệt với nước Nga trên những khu vực lợi ích địa chính trị mà Mỹ quan tâm.

- Syria không phải chỉ là vùng ảnh hưởng của Nga, nếu như không quân Nga có khả năng can thiệp vào công việc nội bộ của Syria, quân đội Mỹ cũng sẽ đáp trả tương tự. Bằng vụ tấn công tên lửa này, tổng thống Mỹ thể hiện sức mạnh của một siêu cường, không chỉ riêng với Putin mà với cả Tập Cận Bình. Nga có thể thấy ở Syria một thế lực mạnh, tương tự như vậy đối với Trung Quốc trên vùng nước Tây Thái Bình Dương.

- Vụ tấn công tên lửa còn là một động thái kích thích, củng cố tinh thần của các quốc gia vùng Vịnh như Ả rập Xê út và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các lực lượng mà Mỹ đã huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ vũ khí trang bị như FSA, lực lượng người Kurd.

Những toan tính của các cố vấn tổng thống Mỹ hoàn toàn đúng, khi lựa chọn giải pháp tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk bất chấp mọi luật pháp quốc tế và nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Vị thế của ông Trump thay đổi nhanh chóng, những tuyên bố chống lại tổng thống mới được bầu suy giảm nhanh chóng, vấn đề Triều Tiên dấy lên quan ngại của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ả rập Xê út và các quốc gia đồng minh khác lớn tiếng ủng hộ cuộc tấn công.

Lực lượng Hay’at Tahrir Al-Sham (Al-Qaeda Syria) có sự yểm trợ của các nhóm “đối lập ôn hòa” thuộc Quân đội Syria tự do FSA đẩy mạnh cuộc tấn công ở thành phố Daraa và miền bắc tỉnh Hama Syria, sử dụng tên lửa chống tăng TOW phá hủy nhiều xe tăng, thiết giáp của quân đội Syria và tổ chức phản công. Tình hình chiến trường Syria lập tức gia tăng căng thẳng.

Có hay không một cuộc tấn công thỏa thuận vào sân bay Al-Shayrat?

Những nghi ngờ của thuyết âm mưu dấy lên, khi tình trạng của sân bay sau cuộc tập kích dữ dội bằng 59 quả tên lửa Tomahawk hầu như không bị ảnh hưởng đáng kể. Những tổn thất sau cuộc tập kích có thể đếm được trên đầu ngón tay, không bằng một cuộc tập kích của một phi đội F-4 Con Ma trong chiến tranh ở Việt Nam.

Sân bay quân sự trở lại trạng thái sẵn sàng chiến đấu chỉ một ngày sau cuộc tập kích, khác hoàn toàn với những cuộc tập kích khác mà quân đội Mỹ đã tiến hành trong lịch sử các cuộc chiến tranh mà sau đó, các cơ sở hạ tầng hầu như bị san phẳng và phá hủy hoàn toàn. Điều đó khiến các nhà bình luận quân sự Mỹ và thế giới đặt ra câu hỏi, phải chăng giữa Nhà Trắng và điện Kremlin đã có thỏa thuận nào đó để Trump có thể giữ được thể diện và Syria không chịu quá nhiều tổn thất.

Nhưng điều đó rõ ràng không đúng. Tổng thống Mỹ Donald Trump cần thể hiện sức mạnh, không phải chỉ với chính trường Mỹ mà với cả Nga và Trung Quốc. Nếu không làm được điều này, Washington không thể tiến hành bất cứ cuộc thương lượng nào với Moscow trên thế mạnh, tương tự như tối hậu thư mà ngoại trưởng Mỹ ông Rex Tillerson đã tuyên bố trước thềm cuộc viếng thăm nước Nga ngày 14.04.2017, có nghĩa là phải đặt Nga vào thế “chiếu bí”.

Trên thực tế, tổng thống Donald Trump quyết định sử dụng đòn tấn công quyết liệt, gây tổn thất nặng nề cho căn cứ quân sự Syria, gần như là hủy diệt căn cứ này, tạo thế và lực để có thể đàm phán với Putin.

Hơn thế nữa ông Trump muốn trấn an tinh thần của phái “diều hâu” Mỹ, trong đó có các sỹ quan cao cấp đã nhiều lần thúc giục tổng thống Barack Obama phải tiến hành các biện pháp quyết liệt hơn với quân đội Syria nhằm nhanh chóng lật đổ chính quyền Assad.

Cuộc tấn công không đạt kết quả như mong đợi đã khiến nhiều chính khách và quan chức Mỹ cũng như nước ngoài cảm thấy thất vọng. Nếu sân bay Al-Shayrat bị phá hủy hoàn toàn, tổn thất nặng nề về mặt sinh lực và vũ khí trang bị, kết quả này sẽ củng cố tinh thần không chỉ chính trường nước Mỹ và các nước đồng minh, mà còn tạo thế và lực cho những cuộc tấn công ác liệt hơn nữa vào quân đội Syria từ các lực lượng Hồi giáo cực đoan, gây chấn động không chỉ chính quyền Syria mà cả nước Nga. Vị thế của điện Kremlin sẽ lung lay dữ dội.

Đó chính là mục đích mà Nhà Trắng mong muốn đạt được. Lời khẩn cầu của Ivanka - ái nữ xinh đẹp, đau đớn vì sự vô nhân đạo đang diễn ra ở Idlib với cha mình đề nghị tiến hành một sứ mệnh trừng phạt, có thể nói chỉ là một vở kịch đẹp, biện minh cho kết quả không mong muốn trên sa mạc tỉnh Homs của đất nước Syria xa lạ.

Tổng quan cuộc tấn công tên lửa Tomahawk của Mỹ vào Syria ngày 07.04.2017

Tại sao lực lượng phòng không Nga không đánh chặn Tomahawks?

Có hai lý do cơ bản để lý giải vấn đề này, lý do thứ nhất thuần túy về mặt tính năng kỹ chiến thuật vũ khí trang bị, lý do thứ hai là những ràng buộc về đối ngoại chính trị. Trong cả hai lý do, quyết định then chốt vẫn là đối ngoại chính trị.

Thứ nhất: Hệ thống tên lửa phòng không S-400 và S-300V4 không có cơ hội tấn công, điều đó không có nghĩa tên lửa Tomahawk là vũ khí siêu việt, mà chỉ là điều kiện địa hình. Tên lửa không thể đánh trúng mục tiêu nếu radar dẫn đạn không theo dõi và đeo bám được mục tiêu. Các sĩ quan tham mưu quân sự Mỹ đã tính toán rất kỹ khi tiến hành cuộc tấn công, tên lửa Tomahawk sau khi bay vào gần bờ biển Latakia đã nghiêng về hướng nam, đi dọc theo biên giới Lebanon, điều đó có nghĩa là tên lửa không có đường bay hướng về các căn cứ quân cảng Tartus và căn cứ không quân Hmeymim, có nghĩa là không có ý định tấn công quân đội Nga.

Nhiều người cho rằng nếu bán kính hoạt động của tên lửa đạt đến 200 km, có nghĩa là trong phạm vi 400 km, tên lửa phòng không có thể bắn hạ bất cứ mục tiêu nào theo các tính năng kỹ chiến thuật được nêu. Nhưng ngay cả trong trường hợp có trụ nâng đa năng, radar của S-400 cũng không thể phát hiện được mục tiêu bay ở độ cao 30 – 150 m ngoài khoảng cách 40 – 45 km.

Đại đa số cho rằng, đưa tên lửa S-400 và các tổ hợp phòng không khác vào Syria, Nga đã thành lập vùng cấm bay trên không phận Syria, nhưng điều đó không đúng và không phù hợp với bất cứ điều khoản nào của luật pháp quốc tế cũng như thỏa thuận với chính quyền Syria. Lực lượng phòng không Nga có nhiệm vụ then chốt là bảo vệ căn cứ Hmeymim, Tartus và các máy bay Nga chiến đấu chống khủng bố, lực lượng quân sự Nga chống khủng bố trong đội hình các đơn vị quân đội Syria. Những hoạt động riêng lẻ như bảo vệ bầu trời và mặt đất Syria do lực lượng phòng không Syria đảm nhiệm như một quốc gia có chủ quyền.

Lý do thứ hai nằm trong thực tế là quân đội Nga không có lý do gì để bắn hạ tên lửa Mỹ. Syria không phải là đồng minh quân sự của Nga, giữa Nga và Syria hoàn toàn không có hiệp ước phòng không chung. Nga chưa bao giờ được ủy quyền đảm bảo sự bất khả xâm phạm lãnh thổ Syria. Lực lượng vũ trang Nga tại Syria có một nhiệm vụ rõ ràng, tiêu diệt các lực lượng khủng bố và mang lại cho Syria một giải pháp chính trị giải quyết xung đột, đó là tất cả.

Kể từ khi không quân Nga chính thức tham gia nhiệm vụ tấn công các lực lượng khủng bố (Al-Qaeda, IS), không phận Syria đã nhiều lần bị các lực lượng không quân nước ngoài như Thổ Nhĩ Kỳ và Israel xâm phạm. Lực lượng không quân Nga có thể vạch rõ những vụ xâm phạm chủ quyền như vậy, Bộ ngoại giao Nga cũng nhiều lần lên án, nhưng chỉ là những tuyên bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên các diễn đàn quốc tế cũng như tại Liên Hiệp Quốc. Không quân Mỹ cũng thực hiện chính xác những điều như vậy.

Khi không quân Nga tiến công Jabhat Al-Nusra, các máy bay Nga có quyền tấn công những tổ chức liên kết với Al-Nusra (Al-Qaeda Syria) của Quân đội Syria tự do do Mỹ hậu thuẫn. Người Mỹ không muốn như vậy, nhưng không tiến hành đòn tấn công vào không quân Nga và Nga cũng phải thực hiện những điều tương tự. Tất cả vấn đề này nằm trong thỏa thuận tránh xung đột không chủ ý trên không phận nhỏ hẹp của chiến trường Syria.

Công luận cũng có thể lên án, cho rằng hành động của Mỹ là bất hợp pháp, là xâm phạm chủ quyền của một quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, nhưng đó là việc của chính quyền Syria, nhiệm vụ của lực lượng phòng không Syria chứ không phải của Nga. Ngoại trừ những tên lửa kia bay về hướng Tartus và Hmeymim, cũng như tấn công các căn cứ mà ở đó có quân đội Nga như thông báo, Nga có quyền đánh chặn. Nhưng không phải trường hợp này.

Rõ ràng, trong tình huống cụ thể, nếu lực lượng không quân – tên lửa Nga đánh chặn các tên lửa Tomahawk Mỹ, điều đó có thể trở thành cáo buộc, Nga đang bảo vệ và che chở cho một chính quyền “vô nhân đạo” như cáo buộc của Mỹ và phương Tây. Và tình huống tấn công hóa học ở Idlib mặc nhiên không phải là tình huống “nghi vấn” cần điều tra, sân bay Al-Shayrat rõ ràng có vũ khí hóa học, vì thế Nga phải bảo vệ.

Không có điều gì có thể biện minh được những cáo buộc như vậy, cũng không có điều gì có thể ngăn cản được Mỹ và các quốc gia đồng minh, dựa trên những cáo buộc này tiến hành các hoạt động bất lợi cho lực lượng quân sự Nga tham chiến ở Syria. Nguy cơ này có thể dẫn đến chiến trường Syria sụp đổ và quân đội Nga sẽ gánh chịu tổn thất không lường trước được. 

* Xem tiếp: Những hậu quả khó lường sau cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria

TTB