3 lý do khiến doanh nghiệp địa ốc cạn tiền nhưng vẫn không hạ giá bán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dòng tiền cạn kiệt nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản không giảm giá bán để xử lý khó khăn. Đây là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm tại tọa đàm “Điểm sáng đầu tư năm 2023” diễn ra hôm 15/2.
Chuyên gia chứng khoán Đào Phúc Tường
Chuyên gia chứng khoán Đào Phúc Tường

Theo chuyên gia Đào Phúc Tường, có 3 lý do 'tế nhị' khiến doanh nghiệp bất động sản không giảm giá bán dù gặp khó khăn.

Thứ nhất, đa số các doanh nghiệp bất động sản đều có nhà đầu tư ‘ruột’ của mình. Đây chính là những nhà đầu tư mua hàng mua vào ở giai đoạn đầu của dự án, từ trực tiếp chủ đầu tư. "Một khi bất động sản giảm giá, nhóm nhà đầu tư này sẽ bị ảnh hưởng", ông Tường cho hay.

Thứ hai, về tài sản đảm bảo, ông Tường cho biết, 70% giá trị tài sản đảm bảo của doanh nghiệp tại ngân hàng là bất động sản. Nếu các đơn vị này điều chỉnh giảm giá bán sẽ ảnh hưởng ngay đến giá trị tài sản đảm bảo ở ngân hàng.

Khi đó, ngân hàng sẽ yêu cầu các công ty này phải bổ sung tài sản đảm bảo để đáp ứng tỷ lệ an toàn rủi ro. Song, điều này lại liên quan đến vấn đề liệu các doanh nghiệp bất động sản có còn tài sản đảm bảo để bổ sung hay không.

Thứ ba, hiện nay có rất nhiều dự án gặp vấn đề về pháp lý, nên dù doanh nghiệp có phải lựa chọn giảm giá bán thì cũng khó để bán được.

"Về mặt logic, cần tiền thì phải giảm giá nhưng đó là ba yếu tố tế nhị mà các doanh nghiệp bất động sản cần phải cân nhắc. Thực tế trên thị trường nhiều công ty giảm giá rồi, giá sơ cấp giảm 20-30% so với giá ở vùng đỉnh", ông Đào Phúc Tường nhấn mạnh.

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô, giảng viên trường đại học Kinh tế Quốc dân, cũng nhận định giải quyết vấn đề pháp lý là một trong hai giải pháp được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản hấp dẫn, sôi động hơn trong năm tới.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế - Vĩ mô, Giảng viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân

PGS.TS Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế - Vĩ mô, Giảng viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân

PGS. TS Phạm Thế Anh cho rằng, việc giải quyết vấn đề pháp lý là điểm mấu chốt giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành ở thời điểm hiện tại.

“Đây là vấn đề quan trọng nhất, vì trong môi trường rủi ro như hiện nay, các hoạt động, dù bán lẻ hay các hoạt động M&A bán buôn bất động sản chỉ được thực hiện khi nhà đầu tư an tâm về tính pháp lý của dự án”, ông Thế Anh nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Khang – Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings – cho biết, việc tắc nghẽn pháp lý của các dự án dở dang đã làm nguồn cung trên thị trường bị hạn chế, đẩy chi phí và giá bán sản phẩm lên cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước đó.

Do đó, ông cho rằng giải pháp căn cơ nhất hiện tại là cấp phép mới cho các dự án nhà ở thương mại, từ đó tạo tiền đề, cơ sở cho tất cả các chủ thể trên thị trường có phương án hành động tiếp theo.

Ví dụ, đối với ngân hàng thương mại, khi một dự án được phê duyệt bổ sung, có giấy tờ pháp lý sạch, thì ngân hàng mới có cơ sở để giúp doanh nghiệp giãn nợ, hoãn nợ, khoanh vùng nợ, cũng như cung cấp các khoản tín dụng bổ sung để doanh nghiệp hoàn thiện dự án.

Ngoài ra, một nhân tố khác cũng được cho sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản trong ít nhất 12 tháng tới là lãi suất.

Theo PGS. TS Phạm Thế Anh, nếu đặt trong mối quan hệ tương quan giữa tình hình lạm phát hiện nay ở Việt Nam và khả năng bảo vệ đồng nội tệ, đồng thời bỏ qua những rủi ro nội tại thì Việt Nam vẫn có dư địa hạ lãi suất để hỗ trợ chung cho nền kinh tế.

Nếu hạ được lãi suất sẽ khiến các kênh đầu tư và kênh tài sản trở nên hấp dẫn hơn, đặc biệt là chứng khoán và bất động sản, từ đó khả năng mua nhà của người dân cũng dễ dàng hơn.

Còn với mặt bằng lãi suất như hiện tại, đặc biệt khi doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng, sẽ làm đóng băng tất cả các thị trường, không chỉ riêng thị trường bất động sản, từ đó làm yếu đi sức khỏe của nền kinh tế./.