|
Ảnh minh họa. |
Đây là 3 giải pháp để xây dựng chính phủ điện tử hiện đại hiệu quả, hướng tới phát triển nền kinh tế số do Tập đoàn Công nghệ CMC công bố tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2018 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại, hiệu quả”, vừa diễn ra sáng 5/7. Hội thảo, do Hội Truyền thông số Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và công ty IDG Vietnam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP. Hà Nội.
Trung tâm giám sát, xử lý sự cố An ninh an toàn thông tin (SOC)
Về phương án bảo mật cho Chính phủ điện tử, CMC đưa ra Mô hình triển khai trung tâm giám sát, xử lý sự cố An ninh an toàn thông tin (SOC) cho các đơn vị chính phủ. Đây là mô hình SOC đầu tiên tại Việt Nam nhằm đưa ra những giải pháp bảo mật cho khối chính phủ, khối ngân hàng, tài chính.
Tại Hội thảo, ông Hà Thế Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty An ninh An toàn thông tin CMC (CMC InfoSec) cho biết, mô hình thuê dịch vụ SOC từ các đối tác thứ 3 đang là mô hình phù hợp với xu hướng phát triển của chính phủ điện tử ở các tỉnh. Với mô hình này, chi phí đầu tư dịch vụ có thể thuê theo năm và được coi là chi phí hoạt động thường xuyên, phù hợp xu thế chuyển từ chi phí đầu tư sang chi phí vận hành (Capex -> Opex). Chính phủ sẽ không gặp khó khăn về nguồn lực bảo mật, có thể giám sát 24/7 mà chỉ cần một người đầu mối. Mô hình này có thể hỗ trợ công tác bảo mật như giám sát, phân tích, cảnh báo xử lý, điều tra sự cố, kiểm soát tính tuân thủ các quy định được ban hành trong tổ chức.
|
Ông Hà Thế Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty An ninh An toàn thông tin CMC.
|
"Với việc sử dụng mô hình SOC thuê ngoài, chi phí của tổ chức sẽ được giảm tới gần 70% so với phương pháp tự phát triển. Nếu triển khai giải pháp cùng quản trị (Co-Managed SOC), chi phí sẽ giảm 50%", ông Hà Thế Phương khẳng định.
Cũng theo ông Hà Thế Phương, tổng cục Hải quan Việt Nam là đơn vị đã áp dụng thành công mô hình này. Giải pháp thuê dịch vụ SOC không chỉ giảm chi phí vận hành, giảm sự phụ thuộc vào nhân sự chất lượng cao mà còn có tính tuân thủ cao, được hỗ trợ dịch vụ bảo mật 24/7 và được hỗ trợ thực hiện các quy định riêng của tổ chức.
Hạ tầng điện toán đám mây và bảo mật dữ liệu
Giải pháp thứ 2 của Tập đoàn CMC là Giải pháp hạ tầng điện toán đám mây và bảo mật dữ liệu cho khối tài chính - ngân hàng, bảo hiểm. Giải pháp điện toán đám mây giúp các tổ chức tài chính - ngân hàng thường xuyên được nâng cấp những công nghệ mới, tiết kiệm chi phí đầu tư cho phần cứng và đảm bảo được tính bảo mật.
Trước nhu cầu chuyển dịch số của các ngân hàng, Công ty Viễn thông CMC (CMC Telecom) đã đưa ra giải pháp CMC Cloud với công nghệ ảo hóa KVM hiện đại, được tin dùng bởi Amazon, IBM, Alibaba,…
Giải pháp CMC Cloud sử dụng riêng hệ thống kết nối cáp quốc tế ổn định, băng thông cao lên tới 10Gbps, tính sẵn sàng cao và Firewall bảo mật nhiều lớp. Hệ thống có khả năng tùy biến cấu hình cao, giúp đơn vị sử dụng có thể lựa chọn chu kỳ, thời gian và số lượng bản lưu trữ dữ liệu. Nhờ đó, các tổ chức tài chính ngân hàng tối ưu và tăng hiệu năng hệ thống. Công cụ rà soát lỗ hổng bảo mật của IBM đưa ra cảnh báo tự động 1 tuần 1 lần qua Email, SMS, Call.
|
Diễn ra song song với hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử là triển lãm các thành tựu công nghệ phục vụ việc xây dựng hạ tầng hệ thống Chính phủ điện tử.
|
Giải pháp CMC Private Cloud đã được triển khai cho nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế với yêu cầu về năng lực hệ thống và bảo mật cao như Napas, VNDirect, Cash Wagon, Datasection Vietnam,…
Sử dụng trí tuệ nhân tạo tiến tới cá thể hóa các dịch vụ tài chính
Đại diện CMC cho biết, thời gian vừa qua, CMC đã nghiên cứu và triển khai giải pháp “Sử dụng trí tuệ nhân tạo tiến tới cá thể hóa các dịch vụ tài chính”. Giải pháp này ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu giúp các tổ chức tài chính của Việt Nam có thể áp dụng vào hoạt động ra quyết định trong kinh doanh một cách hiệu quả.
Theo đó, giải pháp “Sử dụng trí tuệ nhân tạo tiến tới cá thể hóa các dịch vụ tài chính” giúp các tổ chức tài chính khai thác tối đa giá trị dữ liệu của mình, xây dựng một chính sách tiếp cận khách hàng hiệu quả với tính cá thể hóa cao. Giải pháp này cho phép các tổ chức tài chính phân khúc khách hàng, quản lý khách hàng tiềm năng, đưa ra mô hình xếp hạng phê duyệt tín dụng, tìm kiếm cơ hội bán nâng cao, bán chéo, phân tích rủi ro rời bỏ dịch vụ, cảnh báo sớm trong rủi ro tín dụng, các mô hình rủi ro tín dụng chuyên ngành, tối ưu hóa hoạt động thu hồi nợ, tạo ra trải nghiệm tốt và chi phí tối ưu.