|
Hội thảo Kinh doanh không gián đoạn diễn ra trực tuyến. |
Thông tin trên được trao đổi tại hội thảo trực truyến với chủ đề “Kinh doanh không gián đoạn - Kinh nghiệm và giải pháp sáng tạo” do FPT tổ chức chiều 24/6 với sự tham dự của hơn 300 đại diện các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT, một năm rưỡi qua, COVID-19 đã tác động vô cùng lớn đến doanh nghiệp, ở tất cả các quy mô. Tại thời điểm này, mối quan tâm đầu tiên của các chủ doanh nghiệp là làm sao để linh động, linh hoạt xây dựng các chương trình hành động để đảm bảo kinh doanh không bị gián đoạn trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ông Khoa chỉ ra, bối cảnh doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh như hiện nay là thời điểm tốt nhất để các doanh nghiệp xem lại hệ thống quản trị của mình. Những chỗ nào có vấn đề, chỗ nào là điểm yếu thì phải quyết tâm để sửa và thay đổi.
"Đừng chần chờ nữa, để khi đại dịch qua đi quý vị có thể tăng trưởng. Để đảm bảo kinh doanh liên tục chúng ta phải có '3 cần' và '3 không" - Tổng Giám đốc FPT nói.
Trong đó, điều cần đầu tiên là: cần Đảm bảo dòng tiền. Đây là việc trước tiên, việc đầu tiên quan trọng nhất. Chính dòng tiền luôn là yếu tố áp lực nhất, khiến các chủ doanh nghiệp ăn không ngon, ngủ không yên.
Thứ hai, cần Ứng dụng công nghệ. Các doanh nghiệp cần triển khai cách làm mới, phương thức tiếp cận mới, đưa ra sản phẩm mới. Ông Khoa cho rằng, chính công nghệ sẽ giúp đưa ra các phân tích, dự báo chính xác dựa trên dữ liệu thực. Đây chính là cơ sở giúp doanh nghiệp đảm bảo được tốc độ, linh hoạt và sự liên tục trên tất cả các khía cạnh từ quản trị, tài chính, bán hàng đến nhân sự.
Thứ ba, cần Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tìm nguy trong cơ
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc FPT cũng chỉ ra "3 không", rằng: "Từ những kinh nghiệm của mình chúng tôi thấy, để có thể thay đổi sâu từ bên trong trên tất cả các khía cạnh trên, doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo: Không bị động - Không gián đoạn - Không chạm".
Cụ thể, Không bị động chính là việc các chủ doanh nghiệp chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động giảm thiểu các tác động của đại dịch và đón đầu, sẵn sàng ứng biến trước những thay đổi của xã hội, thị trường, công nghệ…
|
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT trình bày tại hội thảo trực tuyến |
Không gián đoạn chính là nói đến việc liên tục, linh hoạt triển khai các cách làm mới, nắm bắt cơ hội mới từ thị trường và ứng dụng công nghệ để nhanh chóng thích ứng, đảm bảo sản xuất, kinh doanh không gián đoạn; thông suốt trong quản trị, vận hành.
Và Không chạm là nhằm tăng cường tương tác đa kênh đảm bảo kết nối không tiếp xúc nhưng liền mạch, tăng cường trải nghiệm cho khách hàng, đối tác, CBNV dựa trên công nghệ.
Đào tạo con người tiếp cận công nghệ mới
Trong đổi về thực tế chèo lái trong cơn đại dịch, ông Lê Thành Liêm – Giám đốc Tài chính Vinamilk cho biết, 18 tháng qua, các doanh nghiệp sống trong khó khăn và bất định. Từ năm 2020 trở về trước, thế giới thay đổi rất nhiều và thay đổi này có thể biết trước hoặc có thể đưa ra kế hoạch được 6 tháng - tối đa là 1 năm. Thế nhưng, khi dịch COVID-19 xảy ra, nhiều vấn đề hôm nay nói đến ngày mai đã thành sai. Vì thế, doanh nghiệp rất khó khăn để xây dựng được một kế hoạch cụ thể.
Tất cả các công ty đều khó khăn vấn đề là làm thế nào để lập được kế hoạch xây dựng kế hoạch mang tính bền vững. Điều đó buộc lòng chúng ta phải thay đổi. Chúng tôi chỉ dám xây dựng kế hoạch trong 3 tháng và thường xyên phải cập nhật, thay đổi. Chúng tôi đã có những quyết định thay đổi, ví dự như về kế hoạch đầu tư để tối ưu hóa dòng tiền, quản trị vốn lưu động, hàng tồn kho,...
Theo ông Liêm, để làm được việc này, các công ty quy mô càng lớn đòi hỏi phải có công nghệ và chuyển đổi số. Công nghệ đáp ứng cho những hoạt động hàng ngày, ví dụ hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning - hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp), bán hàng quản trị doanh nghiệp nội bộ, trong bối cảnh đại dịch xảy ra liên tục
"Công nghệ là yếu tố nhưng con người cũng là yếu tố quan trọng, phải đào tạo huấn luyện để nhân viên tiếp cận những công cụ mới, thích nghi với bối cảnh như bây giờ" - Giám đốc Tài chính Vinamilk Lê Thành Liêm cho biết thêm.
Theo Tổng cục Thống kê, trung bình mỗi tháng có tới 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Còn theo báo cáo tác động của dịch COVID-19 với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) công bố mới đây cho thấy có tới 87,2% trong số 10.200 doanh nghiệp tham gia khảo sát chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” trước tác động của đại dịch.
Các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch COVID-19 xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%) và chuỗi cung ứng (33%).